Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được'

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết rất vui khi tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên không vì vậy mà chủ quan, thỏa mãn.

Không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra vào chiều 15/7, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - rất vui khi tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện và rất đáng khích lệ, đã hoàn thành và hoàn thành vượt kỳ vọng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ.

 Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Tuy nhiên, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, một số ngành, lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, điển hình là lĩnh vực bán lẻ hàng hóa dịch vụ, nhu cầu và sức mua chưa phục hồi mạnh mẽ, chi phí đầu vào còn cao, vẫn còn những nút thắt chưa được tháo gỡ trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản…

“Do vậy, đây là thời điểm quan trọng để cùng nhìn lại, đánh giá khách quan, thực chất các công việc đã làm được và cả những việc chưa làm được như kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm; rút ra cách làm hay, bài học tốt để cùng nhau làm tốt hơn, sáng tạo, đột phá hơn và hiệu quả hơn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước năm 2024 và thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra 3 vấn đề cần phải chú ý.

Thứ nhất, ông Dũng cho rằng phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các ngành, lĩnh vực, các địa phương.

Đặc biệt là phải tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách, quy định mới ban hành, đồng thời có những giải pháp mới, mang tính đột phá cho tăng trưởng và phát triển để đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu mới đặt ra trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024.

“Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa, đã hiệu quả thì hiệu quả hơn nữa, sáng tạo hơn nữa công tác tham mưu, phải bám sát tình hình, chủ động kiến tạo và khai thác những thời cơ, cơ hội mới cho phát triển đất nước”, ông Dũng nói.

Thứ hai, Bộ trưởng cho rằng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng các kế hoạch, phương hướng, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các ngành, lĩnh vực năm 2025.

Trong năm 2025, Việt Nam phải xây dựng, kiến tạo các thành tựu mới, đột phá mới trong tăng trưởng và phát triển, để không chỉ đạt cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025, mà còn hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm thống nhất đất nước, tổng kết 40 năm Đổi mới và 80 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ ba, làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo Bộ trưởng, khi thế và lực của Việt Nam không ngừng được nâng cao, nếu biết chớp thời cơ thì thách thức có thể trở thành động lực cho chúng ta tiến lên, phát triển và bắt kịp với các quốc gia khác.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng phải phát huy hơn nữa tinh thần chủ động trong cải cách, phát triển, tầm nhìn dài hạn và chiến lược, tư duy đột phá, đổi mới sáng tạo, lấy phát triển để ổn định để tham mưu phương hướng, nhiệm vụ mới cho cả nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong giai đoạn 2026-2030.

Các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2024

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 7 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phương châm hành động của Bộ trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: MPI)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: MPI)

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường tham mưu và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bộ sẽ tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối ợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 20/2023/NĐ-CP và Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-bo-khdt-chung-ta-khong-duoc-chu-quan-thoa-man-voi-nhung-ket-qua-dat-duoc-post303517.html
Zalo