Bộ trưởng Bộ GDĐT: Giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch

Nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch.

Sáng ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 70 thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: Trần Hiệp)

Các đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: Trần Hiệp)

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng tới ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Hà Nội với những kết quả và thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển thành công của đất nước, của Thủ đô và của ngành Giáo dục nói chung.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi lễ

"Kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La, kiến tập vị trí thủ đô cho muôn đời tại nơi đây, thì Thăng Long, Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của cả nước.

Chỉ tính riêng từ khi Lý Nhân Tông cho dựng Quốc Tử Giám, trường quốc học hoàng gia công lập đầu tiên vào năm 1076 cho tới nay, giáo dục Thủ đô đã có truyền thống nghìn năm. Suốt chiều dài lịch sử ngàn năm ấy, Thủ đô luôn là nơi tụ hội của đại trí thức, của các danh sư, là nơi các trường công, trường tư nhộn nhịp thu hút học trò muôn phương về kinh học tập và thi thố tài năng.

Nơi đây, cả cung Vua cũng là trường thi cao cấp nhất của nền giáo dục và khoa cử. Sự hiện tồn của Văn Miếu, Quốc Tử Giám, quán Văn Xương, hồ Văn, hồ Bích Câu, phố Tràng Thi, Tháp bút Tả thanh thiên, Đại học Đông Dương… là những hiện hữu văn vật thể hiện sự sinh động cho bề dày, chiều sâu và tính chất trung tâm, sự hội tụ, sức lan tỏa cả nước và quốc tế của giáo dục Thủ đô Hà Nội. Đây là niềm tự hào to lớn riêng có của đất “thanh danh văn vật sở đô”.

Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 70 thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Theo Bộ trưởng, tính từ năm 1954, Thủ đô Hà Nội bước vào giai đoạn lịch sử vẻ vang mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được thành lập là một phần bộ máy của Ủy ban Quân chính. Và từ ngày ấy, nền giáo dục mới được xác lập và lớn mạnh không ngừng cùng với các lĩnh vực chung của Thủ đô Hà Nội. Trải qua 70 năm phát triển, ngành Giáo dục Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành. Đặc biệt, từ năm 2008, thành phố Hà Nội có những mở rộng địa giới, tuy gặp nhiều thách thức của quá trình điều chỉnh hành chính, song chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Giáo dục Hà Nội đã kết hợp tinh hoa của Thủ đô với giáo dục của Xứ Đoài nhiều truyền thống. Với vai trò của nền giáo dục Thủ đô của cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu của phát triển Thủ đô.

Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng, hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, có mạng lưới trường, lớp đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng.

Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khóa và giáo dục thường xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài. Hà Nội là một trong những nơi tích cực và triển khai một cách bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà không ngừng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn luôn đứng đầu cả nước với gần 2500 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Những thành quả của giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới. Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành Giáo dục Hà Nội vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động Hạng Nhất.

Giáo dục Thủ đô đứng trước đòi hỏi cao, yêu cầu cao, chuẩn cao, ở tính mẫu mực, tính tiên phong, ở chất lượng hàng đầu và là tấm gương, là hình mẫu cho giáo dục cả nước. Vì vậy, những gì giáo dục Thủ đô đã đạt được và được ghi nhận trong thời gian qua cần phải tính với cấp số nhân và giá trị gia tăng trong mọi sự ghi nhận và đánh giá. Để có được những kết quả to lớn đó, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phần rất quan trọng là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện của lãnh đạo Thành phố, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cả hệ thống chính trị Thành phố.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt chúc mừng đối với những thành quả mà lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã đạt được trong suốt 70 năm qua và bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt, sâu sắc tới lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ.

 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. (Ảnh: Trần Hiệp)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. (Ảnh: Trần Hiệp)

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ một số thách thức và cơ hội chung của toàn ngành Giáo dục. Một trong những thách thức lớn là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng và biến đổi không ngừng. Cùng với đó là rất nhiều các thách thức trong triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục, trong đó có thách thức triển khai thành công đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện ở tất cả các bậc học mà hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều hơn ở bậc giáo dục phổ thông với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế.

Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: Học sinh tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong việc phân tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập lớn và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực; khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn; việc thiếu không gian, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới…

Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Sơn mong giáo dục Thủ đô kế tục truyền thống, tiếp tục là mẫu mực và tiên phong cho giáo dục cả nước. Giáo dục hiện nay nhấn mạnh lấy phát triển toàn con người là trọng tâm, mục tiêu. Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng. Đó là những công dân có phẩm chất phẩm chất văn hóa cao, có kỹ năng về khoa học công nghệ, là những công dân văn minh thanh lịch thời đại số, tốt chuyên môn, giỏi ngoại ngữ.

"Nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó, hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Sự thanh lịch của giáo dục hoàn toàn có thể dựng xây trên nền những thành quả tốt đẹp tốt đẹp mà chúng ta đang có. Giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách chênh lệch trong chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các trường; giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất; cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh,… để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn, ở đó chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu trò tiêu biểu. Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh, thanh lịch trong thời đại mới", Bộ Trưởng Sơn chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng rằng, trong giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục Hà Nội phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

 Các thầy, cô giáo được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. (Ảnh: Trần Hiệp)

Các thầy, cô giáo được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. (Ảnh: Trần Hiệp)

"Giáo dục Thủ đô với nhiều bề dày, nhiều thành tựu và nhiều kỳ vọng mới. Đối với các nhà giáo Thủ đô, tôi chúc mừng các thầy cô được công tác tại hệ thống giáo dục với tất cả sự vinh dự và tự hào. Làm nhà giáo là công việc cao quý và vinh dự, nhà giáo Thủ đô càng vinh dự và tự hào. Ngoài những phẩm chất, năng lực, kỹ năng của nhà giáo nói chung để tạo dựng được nền giáo dục Thủ đô thanh lịch, bản thân chúng ta càng cần phải tiêu biểu, càng cần phải thanh lịch một cách mẫu mực. Đó là điều rất cao nhưng cũng là kỳ vọng, sự phó thác của ngành và của Thủ đô. Mong chúng ta đã nỗ lực càng nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng lớn đó.

Nhân dịp hôm nay, tôi được bày tỏ lời chúc mừng tới các thầy cô giáo được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi tới các thầy/cô lời cảm ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tôi muốn bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về các thầy các cô. Kính chúc các cô các thầy luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và luôn hạnh phúc với nghề nghiệp của mình", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-truong-bo-gddt-giao-duc-thu-do-phai-huong-toi-la-nen-giao-duc-thanh-lich-post246921.gd
Zalo