Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Điều cần làm trước mắt và lâu dài là chăm lo, bồi đắp nguồn lực trong nước

Nhìn lại 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động, khái quát những vấn đề lý luận từ thực tiễn, định hướng triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dành cho Tạp chí Công Thương bài trả lời phỏng vấn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Ngày 31/7/2009, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Văn bản số 264-TB/TW thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Cuộc vận động). Nhìn lại 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động, khái quát những vấn đề lý luận từ thực tiễn, định hướng triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dành cho Tạp chí Công Thương bài trả lời phỏng vấn.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế

TCCT: Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn của ngành Công Thương trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trong 15 năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 15 năm qua, ngành Công Thương đã bám sát, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương và Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương kịp thời triển khai các chương trình, kế hoạch hành động theo từng năm nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Với vai trò, chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã kịp thời cụ thể hóa Thông báo số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư thành các nhiệm vụ cụ thể.

Để bảo đảm hài hòa giữa “bảo vệ phát triển thị trường trong nước” và “thực hiện cam kết quốc tế”, Bộ Công Thương đã ra quyết sách mang tính chiến lược: Bảo vệ thị trường, không bảo hộ doanh nghiệp. Theo đó, việc rà soát chính sách cũ và xây dựng chính sách mới đều hướng đến hỗ trợ (nhưng không bảo hộ) doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối trong nước và nước ngoài; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế yên tâm đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất - kinh doanh ổn định, hiệu quả…

Cụ thể, Bộ đã luôn chú trọng và là cơ quan tiên phong trong công tác rà soát, cắt giảm (hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm) các quy định, điều kiện đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các chiến lược, đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối trong nước và nước ngoài, như: Chiến lược Phát triển thương mại trong nước, Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Khuyến công quốc gia, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, vật liệu mới nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.

Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn Cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường. Hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử được triển khai bài bản, quy mô. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thông tin tuyên truyền ngày càng hiệu quả. Từ đó, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai vào tháng 9/2022 cho biết, có 87% người được hỏi cho rằng, Cuộc vận động đã làm tốt việc khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

15 năm qua, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nổi bật như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 trở lại đây liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay; Cán cân thương mại được cải thiện theo hướng giảm nhập siêu và tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; Tỷ lệ hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao (trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống).

Ngày 25/4/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị - Ảnh: Thy Thảo

Ngày 25/4/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị - Ảnh: Thy Thảo

Chăm lo, bồi đắp nguồn lực trong nước

TCCT: Bộ trưởng từng nhận định, thực tế đã chứng minh khi nền kinh tế thế giới có biến động dị biệt, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina... quốc gia nào có nền sản xuất vững mạnh thì mức độ thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Và như Bộ trưởng từng đề cập, những bất ổn, biến động - thậm chí dị biệt của kinh tế thế giới là điều tất yếu trong khi nền kinh tế nước ta đang tiếp tục hội nhập sâu rộng. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, ngành Công Thương có những giải pháp nào để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng, một nền kinh tế tự chủ phải đáp ứng được các nhu cầu bên trong và đủ sức giao lưu với bên ngoài. Nếu sản xuất yếu kém, phụ thuộc vào nước ngoài thì trước sau cũng sẽ dẫn đến bị phụ thuộc về chính trị, không bảo vệ được quyền tự do, độc lập của đất nước. Như vậy, để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong tình hình mới, điều cần làm trước mắt và lâu dài đó là chăm lo bồi đắp nguồn lực trong nước.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xác định gốc của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước là sản xuất công nghiệp. Trình độ sản xuất công nghiệp quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở trong và ngoài nước. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Công Thương đã dành nhiều thời gian cho hoạch định chính sách xây dựng một nền sản xuất công nghiệp tự chủ để doanh nghiệp có nhiều không gian phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý, như: Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm và hàng loạt nghị định, thông tư liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh, khả thi, hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn. Bên cạnh đó, hàng loạt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp ô tô, thép, giấy, sữa, điện lực, sản xuất hydrogen, dịch vụ logistics, thị trường bán lẻ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển công nghiệp hóa dược; Phát triển bền vững dệt may, da giày… cũng đang được khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Ngày 09/8/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tại miền Trung - Tây Nguyên, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (Cụm công nghiệp Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - Ảnh: Hạ Vĩ

Ngày 09/8/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tại miền Trung - Tây Nguyên, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (Cụm công nghiệp Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - Ảnh: Hạ Vĩ

Đây là những vấn đề đòi hỏi nguồn lực và thời gian, nhưng tâm thế và tư tưởng trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương đã truyền cảm hứng đến cách nghĩ, nếp làm của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành, mở lối cho sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; chuyển từ các ngành thâm dụng lao động, thâm dụng vốn sang các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ…

Hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp - chủ thể quan trọng của Cuộc vận động - nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã tiến hành phân cấp mạnh cho địa phương và doanh nghiệp theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ chủ yếu tập trung thực hiện 3 chức năng chính, đó là: (1) Xây dựng quy hoạch, chiến lược; (2) hoạch định cơ chế, chính sách và (3) thanh tra, kiểm tra. Cũng trên tinh thần xây dựng nền kinh tế tự chủ, bồi đắp nguồn lực trong nước, Bộ đặt ra yêu cầu đẩy mạnh phát triển hạ tầng của Ngành, đặc biệt với hạ tầng năng lượng - một trong ba đột phá chiến lược của Ngành.

Bốn (4) quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ tham mưu xây dựng, bao gồm: Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành Năng lượng và ngành Khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế; đồng thời là cơ sở để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng, liên kết vùng, giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách nhà nước. Điển hình là, trong Quy hoạch điện VIII đã đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện; Quy hoạch năng lượng quốc gia đề xuất một loạt cơ chế mới “Đa dạng hóa hình thức đầu tư”, “Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước”; Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt đề ra cơ chế: “Thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt”; với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, Ban soạn thảo đã phân loại cụ thể các nguồn vốn (gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân…) đối với từng lĩnh vực, tạo thuận lợi trong huy động các nguồn vốn đầu tư cho thăm dò và khai thác khoáng sản.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856 về chợ kinh doanh thực phẩm; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử, góp phần tạo ra không gian phát triển mới và nguồn lực mới, giúp doanh nghiệp năng động, tự chủ, sẵn sàng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, gây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước với hàng hóa, thương hiệu Việt Nam.

Xây dựng văn hóa công sở ứng với “vạn biến”

TCCT: Có chuyên gia cho rằng, thông thường chúng ta ứng phó, hóa giải rất tốt khi đối mặt với sức ép hay nguy cơ mang tính thời điểm, dị biệt. Nhưng công tác quản lý, điều hành nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng lại đòi hỏi tính nhất quán, ổn định, có thể dự báo được. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để dung hòa được những mặt ưu việt của hai phương pháp này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Mục tiêu cũng như các cam kết của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng thể chế phục vụ phát triển kinh tế có tính nhất quán, ổn định, có thể dự báo. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, biến động là một phần tất yếu của thế giới ngày nay. Do đó, với cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, hỗ trợ xây dựng các mối liên kết nhằm thích ứng với biến động đã được xem như một nội dung trong quy trình hoạt động tiêu chuẩn cần được chuẩn bị trước.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên bất định, Công Thương là Bộ đi đầu trong kết nối doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn đa quốc gia triển khai các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Mối liên kết này giúp doanh nghiệp trong nước học những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và công nghệ - hai yếu tố chính luôn biến động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh kết nối song phương, đa phương. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, từ năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ đàm phán, ký kết và thực thi 4 Hiệp định thương mại tự do, gồm: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do với Israel (VIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE); đồng thời đàm phán nâng cấp các FTA giữa Việt Nam và khối thương mại tự do châu Âu (EFTA FTA) và Hiệp định giữa ASEAN với các đối tác Canada, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Triển khai Cuộc vận động theo tinh thần “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương là một đại sứ hàng Việt”, Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên tham gia và hỗ trợ hoạt động của các Hội doanh nhân Việt kiều tại địa bàn phụ trách. Bước đầu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các doanh nhân Việt kiều; giúp kết nối hệ thống doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp trong nước. Thời gian qua, mạng lưới kiều bào đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời đây cũng là lực lượng tuyên truyền, quảng bá về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam…

Ý thức công vụ về hỗ trợ mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt kiều, bồi đắp nguồn lực trong nước, đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại… là những giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chú trọng thực hiện, nhằm không chỉ góp phần quan trọng làm chuyển biến căn bản chuỗi sản xuất và cung ứng trên thị trường nội địa, mà còn xây dựng được một nền tảng văn hóa công sở theo hướng lấy xây dựng nền kinh tế tự chủ là nhân tố “bất biến” để “ứng vạn biến” với các yếu tố bên ngoài; đồng thời, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị chức năng trong ngành Công Thương thấy rõ trách nhiệm của mình theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động; từ đó, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước, bảo đảm nguồn cung hàng Việt Nam thiết yếu, cũng như nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu Việt Nam phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lam Ngọc (thực hiện)

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-nguyen-hong-dien--dieu-can-lam-truoc-mat-va-lau-dai-la-cham-lo--boi-dap-nguon-luc-trong-nuoc-129433.htm
Zalo