Bộ tổng tập tôn vinh các thế hệ nhà văn quân đội

'Tổng tập Nhà văn quân đội' là bộ sách đồ sộ khoảng 5.000 trang với năm tập, bao gồm kỷ yếu và tác phẩm của 366 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả tiêu biểu cho các thế hệ nhà văn-chiến sĩ của cả nước. Đây là công trình văn học có giá trị lớn hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; là một phần di sản quan trọng của văn học nước nhà, thể hiện sự tri ân, tôn vinh những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Bộ sách đã đoạt Giải A của Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 năm 2024.

Bộ sách được Tạp chí Văn nghệ Quân đội (thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành trong năm 2023 - một công trình mang đậm tính văn học chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) đã tô đậm thêm tinh thần tri ân các thế hệ nhà văn áo lính đã dành trọn tâm huyết đời người, đời văn để cống hiến cho chiến tranh cách mạng và sự nghiệp văn học.

Trong lời nói đầu của “Tổng tập Nhà văn quân đội”, Đại tá-nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: Hiếm có dân tộc nào nặng lòng văn chương như dân tộc ta. Cũng hiếm có đất nước nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ sự độc lập vẹn toàn như đất nước ta. Đặc điểm lịch sử ấy đã kiến tạo nên dòng văn học về đề tài chiến tranh với những tác phẩm, tác giả xuất sắc, trong đó có những tướng lĩnh nhà văn và chiến sĩ nhà văn… Suốt dọc dài những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, một đội ngũ nhà văn áo lính đông đảo, hùng hậu, là nòng cốt của nền văn học chiến tranh cách mạng đã hình thành, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bằng sức sáng tạo của mình, họ góp phần làm nổi bật tinh thần quả cảm, chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Những tác phẩm được tuyển chọn cũng góp phần nâng cánh cho tâm hồn con người, gieo vào họ tình yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân đạo và sự chính nghĩa, củng cố nghị lực sống, chiến đấu vì ngày mai tươi sáng.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, nếu cần tìm hình ảnh đầy đủ, tinh tế, sâu sắc nhất về người lính thì những trang văn của các thế hệ nhà văn quân đội là minh chứng sống động. Từ hình ảnh mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần hào hoa lãng mạn của bộ đội vệ quốc đoàn áo trấn thủ đến hình ảnh uy nghi lẫm liệt của bộ đội giải phóng quân miền nam, của người lính miền bắc xã hội chủ nghĩa. Lịch sử sáng tác của các nhà văn áo lính chính là lịch sử tâm hồn của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, của con người Việt Nam kiên cường.

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, “Tổng tập Nhà văn quân đội” đóng góp một cái nhìn tổng thể về đội ngũ nhà văn áo lính; một hình dung khá đầy đủ về diện mạo dòng văn học về chiến tranh, người lính. Bộ sách là công trình được chuẩn bị và thực hiện công phu và là niềm tự hào của nền văn học. Các tác phẩm trong tổng tập không chỉ khắc họa chân thực hình ảnh người lính trên mặt trận mà còn ghi dấu những suy tư, khát vọng và nỗi niềm trước chiến tranh, mất mát và hòa bình; khắc họa những góc thẳm sâu trong tâm hồn người lính.

Các hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 đánh giá cao hành trình bền bỉ, tâm huyết của dự án với sự đóng góp từ đông đảo nhà văn, nhà nghiên cứu, biên tập viên. Việc lựa chọn, biên soạn, sắp xếp các tác phẩm trong tổng tập không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn là sự nhạy bén trong quá trình ghi nhận, tôn vinh để ý nghĩa bộ sách không dừng lại ở giá trị lưu giữ các tác phẩm xuất sắc, mà còn mở ra cơ hội để các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về các nhà văn áo lính - thế hệ đã chiến đấu, đã cống hiến đến quên mình vì lịch sử, vì tinh thần dân tộc. Đó cũng là lời khẳng định rằng, bên cạnh những chiến công lẫy lừng, quân đội ta còn đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn hóa và giáo dục của nước nhà.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định: Bộ sách này không chỉ là niềm tự hào của văn học quân đội, mà còn là di sản quý giá của văn học Việt Nam. Từ những vần thơ lay động đến những trang văn xuôi đầy ám ảnh… tất cả tạo nên một bức tranh đầy đủ, xúc động về con người Việt Nam trong chiến tranh. Chính trải nghiệm xương máu nơi chiến trường đã làm nên sự chân thực và độc đáo của các tác phẩm, điều khó tìm thấy trong văn học thời bình.

Nhà văn Chu Lai, một gương mặt tiêu biểu của văn học quân đội đã so sánh: “Tổng tập Nhà văn quân đội” như cuốn nhật ký tập thể khổng lồ, ghi dấu hy sinh, mất mát, khát vọng sống mãnh liệt của người lính, để thế hệ sau này nhận diện chiến tranh không chỉ là súng đạn mà còn là cuộc chiến trong tâm hồn của mỗi con người. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng cho rằng, tác phẩm là cầu nối lịch sử, đưa mỗi con người trở lại với những giá trị của quá khứ. Đọc tác phẩm, ta hiểu được lý do vì sao người lính sẵn sàng hy sinh và qua đó, khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Giá nhấn mạnh: Đây không chỉ là một công trình văn học quân đội mà còn là một tài sản quốc gia. Việc biên soạn và xuất bản “Tổng tập Nhà văn quân đội” cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò của văn học trong việc gìn giữ ký ức lịch sử. Ông cũng đánh giá cao cách bộ sách kết nối giữa tư liệu văn học và lịch sử, tạo nên giá trị nghiên cứu lâu dài.

Giải A Giải thưởng Sách quốc gia dành cho bộ tổng tập không chỉ tôn vinh tác phẩm mà còn khẳng định vai trò quan trọng của văn học trong việc lưu giữ lịch sử, kết nối các thế hệ và xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam. Cũng từ bộ sách, chân dung tinh thần của mỗi nhà văn áo lính hiện ra gần gũi, rõ nét và vô cùng đáng trân trọng. Họ đã góp nên tư thế, tinh thần cốt lõi cho dòng văn học sử thi cách mạng rực rỡ.

Bài và ảnh: MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-tong-tap-ton-vinh-cac-the-he-nha-van-quan-doi-post850691.html
Zalo