Bộ tộc người cổ dài ở Myanmar và những ký ức thiện lành
Cơn động đất gây tổn thất kinh hoàng ở Myanmar làm thổn thức trái tim cả nhân loại tiến bộ. Lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp của Việt Nam lên đường giúp đỡ nước bạn ngay sau gần 30 tiếng, kể từ khi thảm họa diễn ra. Và những ký ức đặc biệt về xứ sở này lại hiện lên trong tôi.

Phụ nữ ở bộ tộc "hươu cao cổ" tại bang Shan, Myanmar
Đó là chuyện về bộ tộc “hươu cao cổ” đầy bản sắc, lối sống thiện lành của họ thật đáng để chúng ta ngẫm ngợi và học tập.
Cảm giác yên bình đến lạ, khi có mặt ở bang Shan nước này. Tôi, cũng như nhiều du khách năm châu bốn biển đã đến đây và mãi mãi không thể nào quên cộng đồng người Kayan đó.
Chúng tôi ghé thăm thành phố biên thùy Tachileik (thuộc bang Shan, Myanmar). Đô thị đặc biệt này nằm thơ mộng gần khu vực ngã ba huyền thoại của sông Mê Kông và dòng Me Sai, giáp biên giới hai nước bạn Lào - Thái Lan, nơi trung tâm có treo dòng chữ rực rỡ, khổng lồ “City of the Golden Triangle” (Thành phố của vùng Tam giác Vàng). Tam giác Vàng từng là vùng đất khủng khiếp rộng tới 200.000 km², trùm lên lãnh thổ nhiều quốc gia, dưới sự thống lĩnh của “ông vua thuốc phiện” Khun Sa, nơi từng sản xuất tới hơn 70% lượng ma túy để đầu độc trái đất này.
Nhưng bây giờ, quá khứ chết chóc kia đã chìm khuất, sự bình yên trở lại. Họ làm du lịch khai thác huyền thoại “miền đất chết” thật tài tình. Một ví dụ cho chuyện này, cũng cần phải kể đến những người phụ nữ, từ trẻ đến già đều như “hươu cao cổ” rất lạ lùng. Họ đã gợi trong chúng ta nhiều suy ngẫm về bí quyết giữ bản sắc văn hóa tộc người trong một “thế giới đại đồng”, “hòa nhập không khéo lại hòa tan”.

Người Kayan quan niệm phụ nữ càng có nhiều vòng ở cổ, cái cổ càng dài, bộ vòng xoáy trôn ốc càng nặng thì họ càng quyền quý, cao sang
Nhật ký của tôi, khi khám phá bộ tộc này, có ghi chép tư liệu như sau: Bộ tộc của những người phụ nữ cổ dài có số phận thật long đong, lận đận. Trên sử sách thì “nhóm người” này được gọi là thổ dân Khumlen, bộ tộc Padaung (còn thường gọi là người Kayan), thuộc dân tộc Kareni. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Miến - Tạng, có nguồn gốc cổ xưa tại đất nước Myanmar. Người ta thường biết đến bộ tộc này nhiều hơn với cái tên “người cổ dài”, người sử dụng tiếng Anh thì nôm na gọi họ là “long neck people”. Lý do là người nơi đây có tục lệ đeo thật nhiều vòng cổ bằng kim loại cho phụ nữ, khiến phần cổ của họ có thể dài tới 40 cm. Còn trọng lượng của hệ thống vòng nhẵn và sáng loáng gông vào “liễu yếu đào tơ” kia có thể nặng đến hơn 16 kg. Đôi khi, có cảm giác hài hước rằng cổ của các bà các chị dài không kém gì họ hàng nhà… hươu cao cổ.
Vì theo chế độ mẫu quyền, bao nhiêu danh giá, “sức mạnh”, niềm kiêu hãnh hội tụ cả vào phụ nữ, nên người Kayan cho rằng phụ nữ nào có càng nhiều vòng ở cổ, cái cổ càng dài, bộ vòng xoáy trôn ốc kia càng to càng nặng, thì họ càng quyền quý, cao sang, được cộng đồng kính trọng. Phải thẳng thắn nói rằng, trông chị em trong hình hài như vậy thật kỳ dị. Cả thế giới thấy ngạc nhiên vì điều đó, “tục lệ” này được đánh giá là có một không hai trên hành tinh.

Khu vực Tam Giác Vàng khét tiếng một thời vì sản xuất tới hơn 70% lượng ma túy toàn cầu, nay đã cất cánh nhờ phát triển du lịch khám phá
Tuy nhiên, chị em phụ nữ người Kayan ở Tachileik mà tôi đã gặp, họ đều tủm tỉm cười, không nghĩ như vậy: “Những người phụ nữ không đeo vòng cổ thật lạ lùng, trông nực cười lắm. Tôi tháo vòng cổ của mình ra, mỗi lần soi gương tôi đều phải… bỏ chạy, vì như thế mình thật xấu xí”, bà Phawar That tự tin nói, khiến không ít du khách đứng nghe phải tủm tỉm cười.
Nhiều du khách đi cùng tôi đều bảo, trông thấy những người phụ nữ đi lại cứng đơ, ngơ ngác như hươu cao cổ kia có cái gì rất giống đoàn nữ chiến binh. Rồi một người am hiểu tục lệ trong bộ tộc Kayan ở Myanmar đã nói với tôi rằng, họ đeo thật nhiều vòng vào cổ, vì bao đời sống với rừng hoang núi thẳm, họ sợ bị hổ ăn thịt (hổ hay cắn cổ con mồi khi tấn công). Một số tư liệu lại bảo tổ tiên của người Kayan là các “cụ” rắn, “cụ” rồng, khi đeo vòng cổ “vằn vện” và cổ dài ra thế này, cổ của phụ nữ bộ tộc này sẽ giống với cổ rắn, rồng hơn. Nghe cũng rất có lý.
Với dân số khoảng hơn 40.000 người, bộ tộc Kayan vốn sống ở Myanmar. Song vì chiến tranh và nhiều hệ lụy khác nữa, từ thế kỷ 17, người Kayan đã ồ ạt di chuyển nhiều nhóm của mình sang miền Bắc Thái Lan. Đấy là chưa kể, khoảng đầu những năm 1990, dân tộc Kareni, do nhiều biến động đặc biệt, lại chạy dạt sang Thái Lan một lần nữa. Bên cạnh những người sống trong rừng sâu suốt mấy trăm năm qua, bộ tộc Kayan có không ít người làm du lịch rất hăng hái. Họ được những cái đầu cực kỳ thính nhạy muốn tăng tốc ngành công nghiệp không khói của Thái Lan vận động rời rừng sâu, đến “quy hoạch” tại các làng ven đường ở các tỉnh phía Bắc như Chiềng Rai, Mea Hong Sorn để… đón du khách. Đúng là những cái cổ dài, bóng lộn của tộc người có phong tục lạ lùng kia đã đem lại vàng thoi bạc nén cho du lịch Thái Lan. Nhưng chúng tôi và nhiều du khách vẫn muốn thăm những ngôi làng “nguyên bản” hơn, ở chính đất nước Myanmar.

Tượng của trùm ma túy Khun Sa cũng được dựng để thu hút khách du lịch
Dù thế nào thì phong tục của tộc người này, người ta luôn phải trân trọng, phải nhìn và ứng xử với điều đó bằng một trái tim nhân hậu.
Chúng tôi đến thăm từng nếp nhà, các cô gái trẻ xinh đẹp thoải mái tâm sự giữa sườn non về những vòng đeo tay, đeo chân, đặc biệt là đeo ở cổ của mình. Họ tự tin hơn khi có nhiều vòng, họ thấy họ đẹp hơn. Đó là điều quan trọng nhất, bởi hạnh phúc là gì, là trước hết nó do cảm nhận và trong cảm nhận của mỗi người. Các cụ già ngồi dệt bên khung cửi, cổ dài như cổ linh vật, họ coi như tổ tiên (rồng). Ai đó phản đối cách khai thác du lịch nhờ tò mò ngó vào từng các cô gái, các chị, các bà một cách hiếu kỳ. Rằng như thế là thiếu nhân văn. Vài người trẻ quyết thoát khỏi cảnh ôm các vòng kim loại nặng như đá đeo cho người ta đi vòng quanh ngó nghiêng, chụp ảnh, rồi họ về thủ đô, đi kinh doanh lĩnh vực khác ở nơi đô hội như một công dân toàn cầu.

Bảo tàng ma túy với những trưng bày độc đáo đã có sức cảnh tỉnh với khách tham quan
Không ai cấm những người trên bày tỏ quan điểm và hành động theo cách của họ. Nhưng đi xe tuk tuk tới bang Shan, đi bộ theo các triền dốc, vào các bản làng của bộ tộc người "cổ dài” và tham quan, du lịch đem lại sinh kế và niềm tự hào bản sắc văn hóa tộc người của bà các cư dân nơi này, đó cũng là điều rất tốt. Tại sao không?
Có lẽ, vấn đề nằm ở thái độ của chúng ta khi nghĩ và ứng xử với các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của người “cổ dài” mà thôi. Quan trọng hơn, là bà con nơi đây cần được tư vấn, hỗ trợ để có một cách nghĩ đúng và họ thấy hạnh phúc với những gì họ đang và sẽ làm, thế là được. Do thế, ký ức của tôi về bộ tộc Kayan là sự bình yên và lành lẽ, điều đó thể hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười của họ.
Tôi cầu nguyện cho Myanmar gượng dậy và hồi sinh thật kỳ diệu sau thảm họa động đất đau lòng - với sức mạnh nội lực và sự giúp đỡ chí tình của cộng đồng quốc tế.