Bộ TN&MT chỉ rõ hạn chế trong phương án hồi sinh sông Tô Lịch
Bộ TN&MT nhận định phương án hồi sinh sông Tô Lịch mà UBND TP Hà Nội đưa ra là cần thiết, cấp bách, tuy nhiên vẫn có hạn chế.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến của Bộ TN&MT về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch theo đề xuất của UBND TP Hà Nội.
Bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là cần thiết, cấp bách
Bộ TN&MT nhận định đây là dự án hết sức cần thiết, cấp bách, thuộc danh mục dự án được nhà nước khuyến khích đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo đề xuất của Hà Nội, dự án sẽ xây dựng trạm bơm trực tiếp từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống áp lực với lưu lượng 3 - 5m3/s (tương đương với khoảng 260 - 432 nghìn m3/ngày).
Đồng thời xây dựng 3 đập dâng trên sông Tô Lịch (tại các khu vực cống Mọc, cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu) để bổ cập dòng chảy trên sông Tô Lịch với vận tốc trung bình 0,075m/s, duy trì mực nước trên sông từ +3,3m đến +3,8m và cột nước tràn qua các đập khoảng 0,15m.
Tuy nhiên, Bộ TN&MT cho rằng phương án này mới chỉ bổ cập bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy.
Theo Bộ TN&MT, trong trường hợp phương án này được duyệt thì cần bổ sung thêm một số nội dung. Thứ nhất là bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng khu vực cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.
Thứ hai xem xét việc lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, nguồn nước có nhiều phù sa, do vậy cần phải có giải pháp lắng đọng phù sa, xử lý rác thải để tránh ô nhiễm và lắng đọng phù sa vào sông Tô Lịch.
Thứ ba, việc dẫn nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch bằng đường ống áp lực D1200mm dọc theo đường Võ Chí Công với chiều dài khoảng 5,5km cũng cần phải nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể để giải quyết các rủi ro như phá hỏng các công trình ngầm trong quá trình thi công; vỡ, tắc đường ống trong quá trình vận hành.
Thứ tư, công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định. Vì vậy, trước khi thực hiện xây dựng công trình lấy nước, đề nghị lập hồ sơ đề nghị cấp phép trình cấp thẩm quyền xem xét cấp phép.
Đề xuất tăng lưu lượng nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch
Bộ TN&MT cho biết, Viện khoa học thủy lợi Việt Nam (Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển) đang nghiên cứu phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực.
Theo đó, phương án đề xuất phục hồi sông Tô Lịch cũng bằng cách bổ cập nước từ sông Hồng để tạo dòng chảy, cảnh quan và giao thông thủy nội địa quy mô cấp V.
Bộ TN&MT cho rằng, phương án này cùng khoảng tổng mức đầu tư, vận hành và thời gian thi công (như phương án đề xuất của Hà Nội) nhưng lượng nước bổ cập có thể tối đa là 18m3/s (tương đương khoảng hơn 1,5 triệu m3/ngày), với vận tốc trung bình 0,3m/s duy trì mực nước trên sông từ trên 3,3m đến trên 3,8m.
"Phương án này có thể đáp ứng mục tiêu phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy và đảm bảo phù hợp với các quy định", văn bản của Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Với phương án này, Bộ TN&MT cho biết, vị trí lấy nước tại khu vực thượng lưu bãi đá sông Hồng, cách cầu Nhật Tân khoảng 1,5km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 496 tỷ đồng; kinh phí vận hành hàng năm khoảng 25 tỷ đồng.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch và báo cáo Thủ tướng về phương án này.
Theo phương án đề xuất, Hà Nội sẽ xây dựng tuyến ống dẫn nước sông Hồng từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Trên tuyến Võ Chí Công có bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9-2025.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT có ý kiến bằng văn bản về báo cáo, đề xuất của UBND TP Hà Nội trước ngày 10-1.
Tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ 5 diễn ra ngày 14-1 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với dự án khẩn cấp lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch mà Hà Nội đề xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ tiến hành nhanh những công việc liên quan để sớm trình đề án lên Thủ tướng.