Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để

Sáng 8/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp quán triệt các nội dung của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, liên quan đến việc thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phân cấp triệt để để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, thời gian qua, Bộ Chính trị đã yêu cầu về đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, gắn với phân cấp, phân quyền đồng bộ, mạnh mẽ. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có các bài viết, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Hữu Thọ

Đánh giá đây là một cuộc cách mạng thay đổi triệt để, toàn diện từ mô hình bộ máy, cải cách thể chế đến cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết, sau khi sắp xếp, Bộ Tài chính đang quản lý khối lượng đầu công việc rất lớn, gắn với đó là yêu cầu phân cấp, phân quyền phải triệt để hơn.

Thực tế cho thấy, với khối lượng công việc lớn như vậy, nếu không phân cấp, phân quyền bài bản, hệ thống thì sẽ không thể đảm bảo hiệu quả công việc. Trong công tác của lãnh đạo bộ, Bộ Tài chính đã có quy chế phân cấp rất triệt để để kịp thời hoàn thành các nhiệm vụ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong Bộ đã tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền theo các chỉ đạo của Bộ trưởng, Chính phủ.

Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tinh thần chỉ đạo trong các Công văn của Ban Chỉ đạo về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nhanh chóng rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chủ động phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Từ đó, giảm bớt khối lượng công việc trực tiếp, tập trung cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ Tài chính đã xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 (1 Luật sửa 9 Luật), trong đó có 6 Luật liên quan đến phân cấp, phân quyền và Luật số 57/2024/QH142 ngày 29/11/2024 (1 Luật sửa 4 Luật) với 4 luật liên quan đến phân cấp, phân quyền và ban hành 10 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương.

Theo báo cáo tại cuộc họp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư công, đấu thầu, thống kê, tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý giá, quản lý tài sản công...

Hiện nay, thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với các nội dung Đề án của Trung ương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp;

Tham gia dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Báo cáo và đề xuất xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Ban hành văn bản hướng dẫn triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo Quyết định số 571/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phân công cơ quan ban hành văn bản liên quan việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tham gia dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013…

Khẩn trương rà soát văn bản pháp luật để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp

Đồng thời, Bộ Tài chính đang được giao chủ trì xây dựng một số Luật sửa đổi, bổ sung, thay thế có nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025, bao gồm: dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 Luật sửa 7 Luật) và Luật sửa đổi Luật Quy hoạch.

Để tạo động lực phát triển cho các địa phương có vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, Quốc hội khóa XIV và khóa XV đã ban hành 10 Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm 27 chính sách đặc thù tại 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, thành phố Huế, Thanh Hóa, Khánh Hòa và thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), trong đó có 9 chính sách về phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Tại phiên họp, đại diện các đơn vị đã báo cáo về thực hiện phân cấp, phân quyền trong từng công việc cụ thể. Những kết quả làm được, những điểm còn vướng mắc được nêu ra, thảo luận để làm bài học kinh nghiệm và có hướng giải pháp cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hữu Thọ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hữu Thọ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, xu thế phân cấp, phân quyền hiện nay là không thể thay đổi được, nhằm đảm đương được các công việc, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh mới.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang có khối lượng công việc rất lớn và số công việc phân cấp cũng là lớn nhất. Trong đó, có những việc trước nay chưa từng làm, như phân cấp về các vấn đề ngân sách, quyết định đầu tư công… Nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH được phân cấp về Chính phủ, từ thẩm quyền Chính phủ, Bộ Tài chính được phân cấp về các địa phương…

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị chủ trì soạn thảo để xác định các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Trong đó, xác định rõ các nội dung cần điều chỉnh ngay về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH mà hiện chúng ta chưa kịp sửa để đưa vào đề xuất sửa đổi.

Đồng thời, giao Vụ pháp chế chủ trì tổng hợp danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung. Trên cơ sở đó, báo cáo Bộ phương án xây dựng, soạn thảo các Nghị định, Nghị quyết. Sau khi lãnh đạo Bộ duyệt phương án, Vụ Pháp chế hướng dẫn các đơn vị triển khai hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành, hoàn thành trước ngày 15/5./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-tiep-tuc-day-manh-phan-cap-phan-quyen-triet-de-176035.html
Zalo