Bộ Tài chính: Đề xuất hỗ trợ bổ sung cho 5 địa phương thiệt hại nặng nề do bão số 3

Bộ Tài chính sẽ trình phương án hỗ trợ bổ sung cho 5 địa phương: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3.

Thêm nguồn dự phòng ngân sách hỗ trợ phục hồi sản xuất

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra sáng nay (28/9), Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tài chính ở các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đảm bảo an toàn và duy trì hoạt động thông suốt của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc, và các đơn vị dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người dân sau bão.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ Tài chính đã trình xuất 350 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ bổ sung cho 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3; cấp hơn 430 tấn gạo và các thiết bị cứu hộ như xuồng cao tốc, nhà bạt, phao cứu sinh, và máy phát điện.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất cấp các hóa chất xử lý môi trường và thuốc men cần thiết; đề xuất cấp thêm nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định cấp giống lúa, giống ngô và một số giống cây trồng khác để hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới 26 địa phương để đề nghị các cơ quan thuế địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp và người dân về các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương về chính sách miễn, giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024; chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng xác định thiệt hại và tạm ứng chi trả bồi thường cho người dân.

Tính đến ngày 25/9, theo báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường dự kiến cho bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là khoảng 10.165 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Ban Vận động cứu trợ Trung ương thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phân bổ 1.025 tỷ đồng cho 26 địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ. Số tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa bị sập đổ và hỗ trợ người dân khôi phục đời sống.

Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục rà soát lại các mặt hàng trong kho dự trữ quốc gia để xử lý kịp thời, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các phương tiện cứu hộ; tiếp tục phát huy phương thức phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc xuất cấp hàng hóa từ kho dự trữ quốc gia.

405.000 tỷ đồng tín dụng lãi suất thấp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống rà soát đánh giá thiệt hại; yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi cơn bão. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thông qua Mặt trận Tổ quốc ủng hộ khoảng 40 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khảo sát ở 2 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh; tổ chức làm việc với các tổ chức tín dụng để bàn các giải pháp và sau đó, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến với hệ thống ngân hàng, mời UBND 26 tỉnh, thành phố. Tại hội nghị này, có 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5-2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.

Về triển khai Nghị quyết 143 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Thông tư tái cơ cấu nợ và xin ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, người dân; có văn bản xin ý kiến của Bộ Tư pháp để ban hành thông tư theo hướng rút gọn; chỉ đạo các Ngân hàng thương mại chủ động tính toán các phương án hỗ trợ, xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, xây dựng các gói tín dụng mới.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo đối với các đơn vị trong toàn hệ thống để thực hiện theo kế hoạch, chỉ thị đã ban hành.

Với các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ, ngành, cơ quan báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình tín dụng. Trong trường hợp cần thiết, các bộ, ngành cần trình Thủ tướng để bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024-2025.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các ngân hàng nắm bắt tình hình, theo dõi diễn biến ảnh hưởng của bão, hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân, tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để thực hiện theo quy định.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-ho-tro-bo-sung-cho-5-dia-phuong-thiet-hai-nang-ne-do-bao-so-3-348939.html
Zalo