Bộ sưu tập trang sức nghìn năm tuổi ở Quảng Nam được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Hàng trăm hiện vật là trang sức nghìn năm tuổi thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh, còn nguyên giá trị theo thời gian, được tỉnh Quảng Nam đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thuộc bộ sưu tập trang sức vàng và hiện vật mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi hiện đang được lưu giữ tại kho hiện vật Bảo tàng Quảng Nam.

 Một số trang sức tìm thấy lại khu mộ táng Lai Nghi. Ảnh: BTQN

Một số trang sức tìm thấy lại khu mộ táng Lai Nghi. Ảnh: BTQN

Theo đó, các hiện vật đề nghị công nhận gồm bộ sưu tập trang sức vàng văn hóa Sa Huỳnh ở khu mộ táng Lai Nghi (gọi tắt bộ trang sức vàng) gồm 108 đơn vị hiện vật còn nguyên vẹn, có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên, được chia thành 2 nhóm.

Nhóm khuyên tai gồm 4 khuyên tai chất liệu vàng, tiết diện hình tròn, toàn thân có ren xoắn, có khe hở ở thân. Nhóm hạt chuỗi gồm 104 hạt chuỗi vàng có hình dáng như hai hình nón cụt úp vào nhau, chính giữa thân nối thành đường gờ, hai đầu phẳng và có lỗ xuyên dọc thân.

Bộ 4 chiếc khuyên tai vàng đều được chế tác từ sợi/dây vàng, về hình thức bên ngoài khá giống nhau về hình dáng và kích thước. Tuy nhiên, khi quan sát và nghiên cứu kỹ cho thấy 3 chiếc khuyên tai có những gờ nổi rõ hơn chiếc còn lại; ở chiếc thứ 4 gờ nổi ít hơn, trên một số gờ có dấu của “vết khắc”.

Bên cạnh đó, hiện vật mã não hình động vật có niên đại từ TK III TCN đến giữa TK I Công nguyên, gồm 2 hiện vật còn nguyên vẹn là hạt chuỗi/vật đeo chất liệu mã não khắc hình con chim nước kích thước nhỏ và khắc hình con hổ được khoan lỗ đeo dọc thân.

Các hiện vật được tạo hình từ nguyên liệu đá có độ cứng cao, kích thước nhỏ, chi tiết, thể hiện rõ ràng các nét của từng bộ phận trên cơ thể ở tất cả các mặt kể cả mặt dưới của con vật.

Nét độc đáo của hai hiện vật này là ở kỹ nghệ chế tác tinh vi, quy trình phức tạp, được thực hiện một cách khéo léo và chuẩn xác, được coi là bằng chứng nghiên cứu sự giao lưu khu vực và quốc tế của văn hóa Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn, góp phần minh chứng vai trò quan trọng của cư dân Sa Huỳnh trong mạng lưới thương mại đường dài lúc bấy giờ.

Đây là các hiện vật phát hiện được từ đợt khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Di tích được phát hiện năm 2000 và được Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học của Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội, Viện Khảo cổ Chung và So sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức khai quật từ năm 2002-2004.

Theo Bảo tàng Quảng Nam, lý do lựa chọn vì đây là các hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện trực tiếp tại khu mộ táng Lai Nghi qua khai quật khảo cổ, có tầng văn hóa nguyên vẹn và đã được phân tích niên đại bằng nhiều phương pháp.

Các hiện vật độc đáo về tạo hình, điển hình, có niên đại xác thực, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng các tiêu chí được công nhận là bảo vật quốc gia.

Khu mộ táng Lai Nghi là địa điểm khảo cổ có đồ tùy táng phong phú và đa dạng. Tỉ lệ hiện vật chôn theo mỗi chum của Lai Nghi cao nhất trong số những địa điểm đã phát hiện và khai quật thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam.

Với xuất xứ là hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ, tại vị trí ban đầu, ngay trong tầng văn hóa khiến cho các hiện vật này chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Lai Nghi và văn hóa Sa Huỳnh.

Đây là hiện vật quý hiếm trong văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và các nền văn minh cổ đại trên thế giới nói chung.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-suu-tap-trang-suc-nghin-nam-tuoi-o-quang-nam-duoc-de-nghi-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-post317575.html
Zalo