'Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân' trở thành Di sản thế giới: Hành trình đi tìm cái đẹp và tôn vinh tình yêu Tổ quốc

Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh 'Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân' của Việt Nam vào Danh mục Ký ức thế giới. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Các tác phẩm của Hoàng Vân minh chứng cho sự thay đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam thời kỳ hậu thuộc địa, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ và các tầng lớp yếu thế.

Đây cũng là Di sản Tư liệu cấp thế giới thứ 4 của Việt Nam cùng với Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2011), Châu bản triều Nguyễn (2017). Cùng với 7 Di sản Tư liệu cấp Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện Việt Nam đã đạt tới 11 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh.

Ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu

Thuộc Danh mục Ký ức thế giới, bộ sưu tập được đánh giá là phong phú về thể loại và hình thức âm nhạc cùng nội dung sâu sắc, hồ sơ đã đáp ứng được nhiều tiêu chí quan trọng của UNESCO, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu. Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân tương đối đầy đủ và nguyên vẹn, bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc từ năm 1951 đến 2010, được lưu giữ dưới nhiều chất liệu khác nhau gồm bản thảo, tổng phổ, phân phổ, phim, ảnh, file âm thanh, bản in, băng, đĩa, tệp tin số… Sưu tập là nguồn tài liệu tham khảo cho nghiên cứu văn hóa, xã hội trong bối cảnh hậu thuộc địa, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam và thế giới. Hiện nay bộ sưu tập đã được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và trang web đa ngữ (https://hoangvan.org) cho phép công chúng và học giả có thể tiếp cận một các dễ dàng.

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc tại phòng thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam đầu những năm 1960

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc tại phòng thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam đầu những năm 1960

Nhạc sĩ Hoàng Vân thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ 20. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển trong tương lai cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế. Trong số hơn 700 tác phẩm, đông đảo quần chúng biết đến nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Nửa thế kỷ sáng tác của ông có thể chia làm 3 giai đoạn lớn: Cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình về (1974-1990) và những năm cuối đời (1990-2010). Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức, đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tình ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu.

Nhạc sĩ Hoàng Vân

Nhạc sĩ Hoàng Vân

Lễ đón bằng Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO cho “Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7-2025 nhân dịp kỷ niệm lần sinh nhật thứ 95 của nhạc sĩ tại Hà Nội.

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, các tác phẩm hàn lâm của Hoàng Vân chiếm một vị trí quan trọng nhưng ít được quảng đại quần chúng tiếp cận. Ông là tác giả của bản giao hưởng “Thành đồng Tổ quốc” - một trong những bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1960. Giới chuyên môn cũng đánh giá cao các tác phẩm như bản “Hồi tưởng” (1961-1962), Điện Biên Phủ (2004) viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, hay vở ballet “Chị Sứ” (1968, giải thưởng Hồ Chí Minh). Ông là người sáng tạo ra một thể loại mới, thanh khí nhạc với nhiều tác phẩm đã là “mẫu mực trong nền âm nhạc Việt Nam”. Sưu tập cũng đã thống kê một số tác phẩm (hiện chưa tìm được bản thu) cũng như nêu bật được phong cách Hoàng Vân với tôn chỉ là sáng tạo không ngừng nghỉ, là hành trình đi tìm cái đẹp và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn nhấn mạnh: “Việc bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu.” Thứ trưởng Ngô Lê Văn đề cao vai trò quan trọng của Chương trình Ký ức Thế giới trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử toàn cầu, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là những đóng góp tâm huyết từ gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân trong việc lưu giữ và quảng bá bộ sưu tập quý báu này.

Đại sứ, Trưởng đại điện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ: “Bộ sưu tập là 1 trong 74 hồ sơ được UNESCO khuyến nghị ghi danh trên tổng số 121 hồ sơ đề cử được xem xét trong kỳ họp này. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan đã góp phần quan trọng giúp hồ sơ được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối (100%)”.

Bà Lê Thị Hồng Vân - Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa (Bộ Ngoại giao), Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định: “Việc hồ sơ “Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” được ghi danh là thành công vượt mong đợi, kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế. Bộ sưu tập là Di sản Tư liệu thế giới thứ 4 trên tổng số 570 Di sản Tư liệu thế giới đã được UNESCO ghi danh cho đến nay. Đây cũng là Di sản Tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Sự ghi danh trên càng có ý nghĩa hơn khi Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, trong đó lần đầu tiên dành riêng 1 chương cho Di sản Tư liệu, thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Nhà nước, các cơ quan quản lý và toàn xã hội đối với lĩnh vực này”.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP), chuyên gia Ủy ban Tư vấn quốc tế chương trình Ký ức thế giới: “Việc ghi danh “Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” sẽ là hồi chuông thức tỉnh về việc lưu giữ các tư liệu âm nhạc không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới. Nó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn các tư liệu, góp phần làm giàu ký ức của quốc gia và thế giới từ các cá nhân, gia đình... cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ... Đây chính là một trong những mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO”.

Chân dung tự họa Nhạc sĩ Hoàng Vân

Chân dung tự họa Nhạc sĩ Hoàng Vân

Bản tóm tắt trích từ hồ sơ đề cử “Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân” viết : “Hoàng Vân (tên khai sinh Lê Văn Ngọ, 1930-2018) là một nhà soạn nhạc ở thời điểm chuyển giao quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Các tác phẩm của Hoàng Vân và các nhạc sĩ đương thời được sáng tác vào nửa sau thế kỷ 20 theo phong cách của âm nhạc cổ điển châu Âu đã minh họa cho sự cộng sinh của truyền thống âm nhạc châu Âu và châu Á cũng như sự truyền tải và trao đổi kiến thức giữa Đông và Tây.

Tư liệu quý phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử

Từ khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào năm 2018, các con của nhạc sĩ là nhạc trưởng Lê Phi Phi và nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc, TS Lê Y Linh đã chung sức sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, khôi phục tư liệu, tạo nên bộ sưu tập cá nhân của nhạc sĩ và đã đề cử cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Tác phẩm "Thành đồng Tổ quốc" (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Tác phẩm "Thành đồng Tổ quốc" (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO khởi xướng năm 1992 với mục tiêu bảo vệ di sản tư liệu, tạo điều kiện tiếp cận và quảng bá di sản, đồng thời nâng cao nhận thức công chúng về tầm quan trọng, sự cần thiết phải bảo tồn di sản tư liệu. Chương trình Ký ức thế giới được thực hiện theo cơ cấu 3 cấp gồm các ủy ban, trong đó mỗi cấp (quốc tế, khu vực, quốc gia) hoạt động một cách độc lập. Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới từ năm 2012 và là thành viên của Ủy ban Ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP).

Tiến sĩ Lê Y Linh (con gái cả của nhạc sĩ Hoàng Vân) cho biết, vào năm 1960, sau 6 năm học đại học chính quy về sáng tác và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, nhạc sĩ Hoàng Vân về Hà Nội cùng những nhạc sĩ đầu tiên khác được đào tạo ở nước ngoài và các tác phẩm giao hưởng của họ. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Đài Phát thanh Việt Nam (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) với tư cách là một trong những nhạc trưởng và giám đốc nghệ thuật đầu tiên của Dàn nhạc Đài Phát thanh. Ông ngừng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam vào khoảng đầu năm 1970 và chuyển về Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến những năm 1990. Nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được sáng tác trong thập kỷ này, một thập kỷ quan trọng của nền âm nhạc chuyên nghiệp đương đại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai. Những bản thảo, tư liệu và tổng phổ của ông sáng tác trong giai đoạn này sau khi được thu thanh đã lưu vào thư viện của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những tài liệu ấy không những phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt và tình hình chiến tranh, mà còn bị cháy rụi vì một vụ hỏa hoạn đã bùng phát trong kho lưu trữ của Đài vào khoảng năm 1969-1970.

Từ năm 1975, âm nhạc Việt Nam đã trải qua một thời kỳ biến động lớn, đặc biệt sự tái cấu trúc của nhiều tổ chức khác nhau khi đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường vào những năm 1990. Ngoài ra, trong thực tế, các nghệ sĩ độc tấu và nhạc trưởng nhiều khi không trả lại bản nhạc sau khi chơi hoặc thu âm. Đây là những lý do chính khiến cho bản thảo và tổng phổ của tất cả các nhạc sĩ đã bị phân tán ở nhiều nơi như nhà hát và dàn nhạc, thư viện và nhà kho, các cơ quan bị sáp nhập hoặc chia tách, hay thay đổi chức năng. Về bản thu âm, thiết bị ghi âm cũ không thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Kết quả là nhiều tài liệu âm nhạc không còn có thể phát (và nghe) được nữa vì chúng không được cập nhật về mặt công nghệ (ví dụ như số hóa). Nhận thức được những trở ngại đối với việc bảo tồn các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn này, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân quyết định “kế hoạch hành động”. Bộ sưu tập được gia đình bắt đầu thực hiện vào những năm 2000 với khoảng 100 bản ghi từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, để có bài và tổng phổ phục vụ nhu cầu biểu diễn, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng đã phải ghi âm lại nhiều tác phẩm từ những files audio này. Bên cạnh đó còn có các nguồn sưu tầm khác như người hâm mộ tặng, các cá nhân và tổ chức tặng và chính các nghệ sĩ tặng...

Năm 2020, sau khi so sánh các nguồn và tài liệu khác nhau, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân đã liệt kê, phân loại chúng để hình thành sưu tập. Tất cả các tác phẩm đã được thống kê, số hóa và đưa lên trang web đa ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nga) https://hoangvan.org. Trang web đã đạt được hơn 1 triệu lượt truy cập cho đến cuối năm 2024. Các bản thảo giấy hiện đã được đưa vào gửi tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III từ năm 2022. Chia sẻ về quá trình sưu tập, TS Lê Y Linh kể, chị đã mở từng thùng carton, lật từng trang giấy hoen ố gấp đôi gấp ba lạc trong một cuốn sách, gọi điện, viết tin nhắn, viết thư cho các cơ quan, người hâm mộ, xin từ lý lịch tự thuật của nhạc sĩ Hoàng Vân đến các bản phỏng vấn từ các phóng viên, ghi chép những lời kể, ký ức của những bạn bè, đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các bài báo, sách in, băng, đĩa, file mềm tại thư viện, kho lưu trữ… ghi âm, ghi hình các cuộc đàm đạo, phỏng vấn. Em trai chị, nhạc trưởng Lê Phi Phi chịu trách nhiệm hiệu đính, so sánh các bản thảo, số hóa, thậm chí khôi phục lại tác phẩm bằng cách ghi âm qua các bản thu thanh.

Qua quá trình thẩm định và xét duyệt, UNESCO đã thông qua những tiêu chí về nội dung, hình thức và ý nghĩa lịch sử cũng như ảnh hưởng quốc tế của “Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân”, cụ thể là: Là một trong những nhạc sĩ đại diện cho trường phái Việt Nam, tác phẩm của ông được lan tỏa rộng rãi trong công chúng và được giới học thuật công nhận là những ví dụ xuất sắc, mới lạ và độc đáo trong nghệ thuật âm nhạc. Việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi giữa các dân tộc và các quốc gia. Nó cung cấp một bản mẫu về sự đa dạng của các hình thức, thể loại và chủ đề âm nhạc đương đại Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ. Tác phẩm của Hoàng Vân phá vỡ các quy tắc, thách thức nhiều định kiến, chẳng hạn như nhạc cổ điển chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội hoặc cho những người quyền quý; hay là các quốc gia chỉ có thể (và chỉ nên) tỏa sáng bằng âm nhạc truyền thống của mỗi nước. Ông đã “Hội tụ mọi ý tưởng thẩm mỹ của thời đại” (Trần Thị Trâm) để phản ánh những cuộc sống bình thường, những số phận hàng ngày, những tầng lớp thiệt thòi trong xã hội tưởng như xa lạ với âm nhạc cổ điển hàn lâm. Các tác phẩm của ông không chỉ đơn thuần là những sáng tác âm nhạc, mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc phản ánh đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng, truyền tải giá trị nhân văn và góp phần thúc đẩy sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới. Một phần lớn các tác phẩm của ông tôn vinh những tầng lớp thấp kém trong xã hội và đặc biệt là phụ nữ, nhấn mạnh bình đẳng giới. Về hình thức, đây là một bộ sự tập tương đối hoàn chỉnh, đa dạng về chất liệu, bao gồm nhiều thể loại và hình thức âm nhạc, phong cách, đề tài; đặc biệt tính năng đa ngôn ngữ của trang web cho phép các học giả quốc tế có thể tiếp cận được dễ dàng.

Tiến sĩ Lê Y Linh tâm sự: “Càng tìm hiểu, nghiên cứu về các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân và một số nhạc sĩ cùng thời, tôi càng thấy được vai trò lớn lao của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Việc tổng hợp những tư liệu ấy là cần thiết và cấp bách. Chỉ một thế hệ nữa thôi, nếu không làm gì, những tài liệu này sẽ thất thoát và sẽ là quá muộn để dựng lại một giai đoạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam theo đúng cách “nói có sách (thu âm, tổng phổ, bản thảo), mách có chứng”. Tôi kỳ vọng có thể làm được một công trình sưu tầm, nghiên cứu tư liệu của các nhà soạn nhạc khác cùng thời với nhạc sĩ Hoàng Vân. Và đặc biệt, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm với bộ sưu tập bởi sau khi ghi danh, UNESCO yêu cầu các đơn vị đề cử một chương trình hành động cụ thể nhằm để các hồ sơ ghi danh đáp ứng được sứ mệnh lan tỏa. Cụ thể, trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục gửi vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III những tài liệu, ảnh, đĩa, băng, sách…, cũng như một số tài liệu được sưu tập thêm sau năm 2022 để hoàn thiện phông lưu trữ. Sau đó chúng tôi sẽ cùng với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức các hoạt động như xuất bản, trưng bày triển lãm, thực hiện triển lãm ảo, triển lãm di động để nâng cao nhận thức và phục vụ cộng đồng".

Thiên An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-suu-tap-cua-nhac-si-hoang-van-tro-thanh-di-san-the-gioi-hanh-trinh-di-tim-cai-dep-va-ton-vinh-tinh-yeu-to-quoc-post609477.antd
Zalo