Bổ sung tổ đại biểu HĐND là chủ thể được đề nghị, kiến nghị giám sát hằng năm của HĐND

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, trong buổi thảo luận tại tổ vào chiều nay - 22/11, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đã tham gia ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đại biểu Triệu Thị Huyền tham gia ý kiến thảo luận tại tổ

Đại biểu Triệu Thị Huyền tham gia ý kiến thảo luận tại tổ

Tham gia góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (Điều 1), đại biểu Triệu Thị Huyền cho ý kiên chi tiết vào nội dung tại điểm b, khoản 20, Điều 1 về bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4, Điều 30 và khoản 21, Điều 31 về bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Luật hiện hành.

Theo đó, tại khoản 5 của Điều 30, Điều 31 được thiết kế 02 phương án. Đại biểu đề nghị kết cấu khoản 5 Điều 30 nên theo phương án 1 là "Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Đồng thời, kết cấu khoản 5 Điều 31 cũng theo phương án 1 là "Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri”.

Theo đại biểu, phương án 1 là phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong quá trình giám sát thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hoặc giao trách nhiệm cho các cơ quan trực thuộc tiến hành các hoạt động giám sát. Đồng thời, cũng phù hợp về nội dung điều chỉnh của Luật.

Tại điểm a, khoản 34 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58, đại biểu đề xuất bổ sung thêm "Tổ đại biểu HĐND” là chủ thể được đề nghị, kiến nghị giám sát hằng năm của HĐND, vì tổ đại biểu HĐND là một trong các chủ thể giám sát được quy định tại Điều 5 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành, như vậy sẽ đảm bảo phù hợp.

Về nội dung này, đại biểu Triệu Thị Huyền cũng tham gia một số nội dung tại điểm a khoản 35 Điều 1 Dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 59.

Về đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND, tại điểm a, b, c khoản 1, Điều 5, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành quy định HĐND, thường trực HĐND, ban của HĐND giám sát hoạt động của "UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp”. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 1 Điều 5 quy định: "Đại biểu HĐND chất vấn chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp…”.

Theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự thì Chi cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh (theo ngành dọc trực thuộc cấp trên trực tiếp).

Do vậy, đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện không phải là "Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND…” nên không thuộc đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND. Như vậy, trên thực tế, trong giám sát hoạt động của "cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” trên địa bàn, đại biểu HĐND không thể thực hiện chất vấn đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện vì không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Luật hiện hành.

Do đó, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị bổ sung thêm đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tại điểm đ khoản 1 Điều 5 đối với "Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” nhằm đảm bảo giám sát toàn diện đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/342283/bo-sung-to-dai-bieu-hdnd-la-chu-the-duoc-de-nghi-kien-nghi-giam-sat-hang-nam-cua-hdnd.aspx
Zalo