Bổ sung sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Xử lý vi phạm hành chính
Sáng 19-11, tiếp tục Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Trước đó, Báo cáo tại phiên họp về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về tên gọi dự thảo luật và phạm vi điều chỉnh, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Cơ quan soạn thảo thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiếp tục tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để hoàn thiện Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, trình Quốc hội bảo đảm chất lượng; cùng với đó, lưu ý việc rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đối với các nội dung cơ quan thẩm tra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội dự án luật với tên gọi "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Về hiệu lực thi hành của luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Riêng quy định về đối tượng tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 9 Điều 1 Luật Chứng khoán, quy định vốn chủ sở hữu tại điểm a khoản 11 Điều 1 Luật Chứng khoán áp dụng từ ngày 1-1-2026.
Cũng trong Phiên họp sáng 19-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.