Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
Sáng 10-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, sáng 10-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Báo cáo cho biết, đối với thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng điều chỉnh 2 loại đối tượng: người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ. Dự thảo cũng bổ sung giải thích thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng”.
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, một số ý kiến cho rằng dự thảo chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nhiều ý kiến góp ý về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã chỉnh lý, quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Quốc hội làm việc sáng 10-5-2025. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về qủang cáo trên báo in, hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh. Do vậy, để hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính, đủ nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài, UBTVQH đồng tình với dự thảo luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí).
Dự thảo luật giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 để bảo đảm quyền lợi của người xem khi đã phải trả phí.
Về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới, có ý kiến đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới cần cụ thể hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường. Có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng; về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ.
Đối với quảng cáo xuyên biên giới, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Về việc tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo từ 1,5 giây lên 6 giây. Có ý kiến đề nghị có tính năng để người dùng được lựa chọn xem hoặc không xem quảng cáo. Về vấn đề này, UBTVQH cho biết, tham khảo thông lệ quốc tế, luật pháp không quy định trực tiếp về thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo, chỉ nhấn mạnh quảng cáo phải rõ ràng, minh bạch và không gây khó chịu cho người xem.
Hiện nay, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phổ biến tại Việt Nam như Google, Facebook… trung bình là 5 đến 6 giây. Khoảng thời gian này được các nghiên cứu đánh giá là đủ để người xem nhận biết về nội dung quảng cáo có nên hay không nên xem.
UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định về nguyên tắc đối với yêu cầu có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết để người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ và từ chối xem nội dung quảng cáo nếu không phù hợp. Đối với quảng cáo dưới dạng hình ảnh tĩnh, không quy định thời gian chờ tắt quảng cáo; đối với quảng cáo dưới dạng chuỗi hình ảnh chuyển động, video, thời gian chờ tắt quảng cáo tối đa là 6 giây.
Điều 11. Xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo
1. Cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo.