Bổ sung quy định về chế tài với người đứng đầu trong xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật
Chiều 5/2, tiếp tục Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Quốc hội chỉ ban hành nghị quyết trong 3 trường hợp
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, lần sửa đổi luật này có nhiều thay đổi lớn.
Theo luật hiện hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện bao gồm 26 hình thức, do 16 chủ thể có thẩm quyền ban hành. Với chủ trương tiếp tục tinh gọn đến mức cao nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo luật quy định bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị. Cùng với đó, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo luật đã phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Theo đó, Quốc hội ban hành luật để quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội nhằm “luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”.
Quốc hội chỉ ban hành nghị quyết trong 3 trường hợp (thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành; tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vấn đề khác do Quốc hội quyết định), còn tất cả các vấn đề còn lại đều ban hành luật để điều chỉnh.
Bổ sung quy định về chế tài với người đứng đầu
Một thay đổi khác là việc bổ sung quy định về chế tài với người đứng đầu trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, lần sửa đổi này dự thảo quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành văn bản trái pháp luật, để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.
Tương ứng với trách nhiệm, dự thảo Luật bổ sung quy định về chế tài với người đứng đầu: kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ để đánh giá, xét thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; tùy theo mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, xử lý kỷ luật hoặc hình sự.
Đồng thời, dự thảo luật bổ sung quy định miễn trừ, giảm nhẹ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, công chức làm công tác xây dựng pháp luật nếu đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, dự án luật cũng hướng đến mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Điểm mới đáng chú ý khác là quy định về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản. Trường hợp qua thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội nhận thấy dự án có nhiều nội dung phức tạp còn có ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý thì Quốc hội quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp kế tiếp.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 tới đây.