Bổ sung quy định ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động bầu cử
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận Tổ 01
Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động bầu cử
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các ý kiến tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhất trí rút ngắn thời gian bầu cử và tiến hành bầu cử sớm hơn, khẳng định việc sửa đổi luật là cần thiết. Đáng chú ý, thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử rút ngắn từ 70 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật hiện hành xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, đây là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực, giảm thời gian, công đoạn liên quan đến công tác bầu cử. Tuy nhiên, việc rút ngắn không chỉ về mặt cơ học, cũng cần có biện pháp đảm bảo tính khả thi để thực hiện các công đoạn tiến hành bầu cử. Cùng với đó, chú ý quan tâm công tác hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phục vụ hoạt động bầu cử.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Đặc biệt, dự thảo Luật cần có quy định ứng dụng kết quả khoa học công nghệ, chuyển đổi vào hoạt động bầu cử. Đại biểu lấy ví dụ về việc tổ chức Hội nghị hiệp thương có thể kết hợp trực tuyến và trực tiếp; Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có thể tiến hành lấy phiếu hộ gia đình hoặc kết hợp trực tuyến; có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để xác định danh sách cử tri và niêm yết công khai danh sách cử tri…
Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình sửa đổi quy định về chuyển hồ sơ ứng cử sau khi hết thời hạn nộp hồ sơ ứng cử, bởi qua thực tiễn các cuộc bầu cử cho thấy yêu cầu về công tác cán bộ sẽ có sự luân chuyển cán bộ, nhất là cuộc bầu cử được tiến hành sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tuy nhiên, Điều 36 của dự thảo luật mới quy định về trình tự, thủ tục chuyển hồ sơ ứng cử mà chưa quy định về giới hạn thời gian chuyển hồ sơ.
Về xác định khu vực bỏ phiếu tại khoản 5 Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi giao Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu. Nêu quan điểm về quy định này, đa số ý kiến tán thành với việc sửa đổi của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ ngay trong Điều luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã xác định và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn”.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện, đảm bảo thống nhất, chuẩn xác. Đại biểu cũng đánh giá cao dự thảo luật đã bổ sung thành phần tham gia Ủy ban Bầu cử địa phương có đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố; thống nhất giảm thời hạn giải quyết khiếu nại như dự thảo luật; tán thành việc điều chỉnh số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã từ 9-15 người, tùy thuộc vào điều kiện thực tế cấp xã sau khi sáp nhập.
Mức xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa khả thi
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các ý kiến khẳng định, việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý; đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhưng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn rộng, bao gồm hầu hết các hoạt động liên quan đến dữ liệu cá nhân dẫn đến trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dữ liệu và một số luật chuyên ngành khác. Do đó, đại biểu đề nghị giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này để tập trung vào các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhất trí với quy định về chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài (Điều 46). Tuy nhiên, Luật Dữ liệu đã quy định về chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới tại Điều 23 và giao Chính phủ quy định chi tiết, còn trong dự thảo Luật này quy định chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài nhưng lại trùng về các trường hợp cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tên, nội dung của quy định Điều 46 dự thảo Luật này với Điều 23 Luật Dữ liệu.
Một số ý kiến cho rằng, quy định này chưa thực sự thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng là phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam. Có ý kiến đề nghị quy định chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với từng loại dữ liệu cá nhân và bổ sung điều kiện, giới hạn loại dữ liệu, thẩm quyền quyết định các trường hợp chuyển dữ liệu ra nước ngoài.
Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Điều 4, các ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2: “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Bởi,mức xử phạt hành chính như vậy là không khả thi và quá nặng đối với tổ chức, doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định phạt theo doanh thu năm liền trước không phù hợp với tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập và trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không có doanh thu hoặc có doanh thu mà không có lợi nhuận; có thể phân loại các loại hành vi vi phạm để có quy định mức xử phạt phù hợp.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm khác cho đầy đủ theo từng nhóm hoạt động và từng loại chủ thể bảo vệ bảo vệ dữ liệu cá nhân. Có ý kiến đề nghị giải thích từ ngữ “mua, bán dữ liệu cá nhân”; một số ý kiến cho rằng, nếu cấm hoàn toàn mua, bán dữ liệu cá nhân có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, nên cần phải quy định theo hướng thông thoáng hơn để khơi thông nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, không cản trở thị trường dữ liệu; Đồng thời đề nghị chỉnh sửa thành cấm “mua, bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật”.
Bên cạnh đó, đối với quy định về chuyên gia và tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục rà soát nhằm triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh và không quy định trong Luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận