Bổ sung quy định cấm mua bán bào thai, ĐBQH đề nghị gì?
Các ĐBQH cho rằng, nội dung cấm mua bán bào thai trong dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần giải thích, làm rõ thế nào là mua bán bào thai?
Mua bán người cần xử thật nghiêm
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về hành vi mua bán bào thai, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.
Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.
Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 3 của dự thảo Luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".
Nêu ý kiến về nội dung cấm mua bán bào thai trong dự thảo Luật, chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết vẫn còn băn khoăn.
"Cơ sở lý luận, giải thích từ ngữ "bào thai" cần phải được làm rõ, nghiên cứu thêm", ông Cừ nói và cho rằng quy định mua bán người từ lúc lọt lòng là hợp lý.
Mua bán người không chỉ liên quan đến luật pháp mà còn đến vấn đề xã hội, truyền thống đạo đức. Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng: "Cần xử lý nghiêm vấn đề này để hạn chế cao nhất việc buôn bán người".
Làm rõ khái niệm "mua bán bào thai"
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người đã bổ sung quy định "cấm "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".
Theo đại biểu, tại các phiên họp ông cũng đã có ý kiến phản biện về việc thực tế có việc người mua – người bán thỏa thuận với nhau.
"Họ không nói "mua bán" bào thai mà thỏa thuận với nhau rằng bào thai khi đã thành hình, sau khi sinh ra thì làm thủ tục cho con. Đương nhiên, người nhận nuôi con sẽ đưa cho người sinh con một số tiền. Hiện nay, đã và đang xảy ra như vậy", ông Hòa nói và đặt vấn đề "đây có phải là hiện tượng mua bán bào thai hay là sự thỏa thuận giữa hai người?".
Ông Hòa tiếp tục nêu ví dụ, người mẹ mang thai gặp khó khăn về kinh tế, nhưng người nhận nuôi con lại có dư tiền. Nếu người mẹ sinh con ra không nuôi được thì xã hội phải gánh, còn việc chuyển con cho người nhận nuôi, nuôi nấng trưởng thành thì như vậy có phải hành vi mua bán người hay không?
"Do đó, tôi đề nghị phải giải thích cho rõ "làm sao? Thế nào gọi là mua bán bào thai?", ông Hòa nói.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nêu thêm dẫn chứng, chúng ta vẫn thấy có chuyện em nhỏ bị bỏ rơi, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
"Việc thỏa thuận với người cần con để nhận nuôi như gia đình hiếm muộn chẳng hạn, nhưng họ không dùng từ "mua" mà người nhận nuôi có thể dùng một khoản để bồi dưỡng lại cho người sinh con. Thì trường hợp này có gọi là mua bán bào thai?", ông Hòa nói và cho biết
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng kỳ vọng khi dự thảo Luật được bàn và thông qua tới đây sẽ đạt được sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, nghiêm khắc trừng trị những đối tượng dùng các thủ đoạn để thực hiện mua bán người.
Trước đó, tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua, bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát.
"Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý.
Và theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang trong bào thai bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng hành vi phạm tội", bà Thu nêu.
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.