Bờ sông, bờ biển nhiều tỉnh miền Trung tiếp tục bị sạt lở
Thời gian qua có nhiều vị trí bờ sông, bờ biển tại 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở gây hư hỏng công trình và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Lý (55 tuổi, trú tại thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, nhiều năm nay, bờ sông Vĩnh Định đoạn chảy qua mảnh đất ở của gia đình bà thường xảy ra sạt lở.
Cũng sống cạnh sông Vĩnh Định, ông Lương Phận (59 tuổi, trú tại thôn Vân Hòa) cho hay, riêng các đợt mưa lũ diễn ra cuối tháng 10, đầu tháng 11/2024 đã khiến nhiều đoạn bờ sông sạt lở vào trong đất liền 2 - 3m. Hiện, một lượng lớn cây xanh cạnh bờ sông đã bị xói lở, “mất chân” nên nằm nghiêng hẳn về phía bờ sông và có thể đổ gục, sụt xuống bất cứ lúc nào nếu bị gió thổi hoặc nước ập vào.
Tương tự, ông Võ Sỹ Nhi (54 tuổi, trú tại thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông Nhùng cũng trở nên phức tạp. “Những cây ngày trước mình trồng dọc bờ sông như tre, hóp… đã tụt xuống sông hết rồi. Ở đây sạt lở dữ lắm” - ông Nhi nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa cho hay, nhiều năm qua, khoảng 1km bờ sông Vĩnh Định đoạn qua địa phận thôn Vân Hòa bị sạt lở. Hiện, có nơi đã sạt vào đất liền hơn 10m. Năm nay, tình trạng sạt lở diễn ra mạnh hơn. Trong đó, bão và mưa lũ diễn ra cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2024 đã khiến nhiều đoạn bờ sông sạt lở sâu vào đất liền 2 - 3m.
Để đảm bảo an toàn, trước mắt, chính quyền địa phương và người dân các vị trí nói trên đã chủ động triển khai các phương án ứng phó. Đồng thời mong muốn, tại những vị trí này sớm được triển khai dự án kè kiên cố để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng sạt lở bờ sông, giúp người dân yên tâm sinh sống.
Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trước đây đoạn bờ biển qua địa phận xã đã từng xảy ra tình trạng xâm thực, nhưng năm nay, tình trạng này diễn ra quá nhanh và bất thường.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 9 - tháng 10/2024, đặc biệt là các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng trong các ngày 19 - 21/10 đã gây sạt lở đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 100m gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân thuộc xã Phú Thuận và phường Thuận An (TP Huế).
Trong đó, đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An phá hỏng vỉa hè, đổ ngã cây dương ven đường nội bộ khu vực bãi tắm. Phạm vi sạt lở tiếp tục phát triển nhanh, mở rộng chiều dài và ăn sâu vào đất liền, đe dọa cuốn trôi tuyến đường nội bộ bãi tắm và có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng các cơ sở kinh doanh.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các biện pháp được áp dụng trong tình huống khẩn cấp. Trong đó yêu cầu, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang và Chủ tịch UBND TP Huế khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó… Đồng thời, giao các đơn vị, ngành liên quan chủ trì, khẩn trương lập, thẩm định, triển khai phương án xử lý khẩn cấp phòng, chống sạt lở bờ biển nêu trên theo quy định.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, vào cuối tháng 10/2024, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Điều tra đánh giá hiện trạng và lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho hay, vào cuối tháng 10/2024, bão số 6 cũng gây ra mưa lớn, gió to, sóng biển cao trên địa bàn khiến đoạn bờ biển đang thi công kè nhưng chưa hoàn thiện, dài khoảng 1,7km tại xã Gio Hải (huyện Gio Linh) bị xâm thực sâu khoảng 15m.
Qua đó, đề xuất giải pháp phòng tránh, ứng phó và cập nhật bản đồ nguy cơ với sạt lở đất, lũ quét, nhằm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do hiện tượng lũ quét, sạt lở đất gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định dân sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.