Bỏ qua căng thẳng, Pakistan đề xuất 'bắt tay' với Ấn Độ vì khói bụi ô nhiễm kỷ lục

Một tỉnh miền Đông Pakistan đã ngỏ ý về một sự hợp tác xuyên biên giới hiếm hoi với Ấn Độ trong bối cảnh các thành phố lớn ở cả hai quốc gia đều phải chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu người.

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 19/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 19/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Trích lời người đứng đầu Sở Môi trường và Biến đổi Khí hậu Punjab Raja Jahangir Anwar, đài CNN đưa tin các quan chức ở tỉnh Punjab, tỉnh đông dân nhất Pakistan với 127 triệu người, đã soạn thảo một lá thư gửi chính phủ Ấn Độ để đề xuất một cuộc đối thoại về vấn đề trên.

"Chúng ta cần một giải pháp ngoại giao khí hậu, như một vấn đề khu vực và toàn cầu", ông Anwar nói với đài CNN, chỉ vài ngày sau khi siêu đô thị Lahore của tỉnh Punjab, cách biên giới Ấn Độ khoảng 25 km chứng kiến mức ô nhiễm không khí cao nhất từ trước đến nay. Theo IQAir, đơn vị theo dõi chất lượng không khí toàn cầu, Lahore - nơi sinh sống của hơn 14 triệu người - đã chứng kiến chỉ số chất lượng không khí vượt qua mức kỷ lục 1.900 tại một khu vực của thành phố vào ngày 1/11, cao gấp 6 lần so với mức được coi là nguy hiểm cho sức khỏe. Tình trạng ô nhiễm cực độ đã khiến các quan chức Lahore phải đóng cửa các trường tiểu học trong một tuần và áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các nhà hàng thịt nướng, xe kéo và các hoạt động xây dựng ngoài trời.

"Chúng tôi đang phải chịu đựng nguồn ô nhiễm từ hành lang gió phía Đông đến từ Ấn Độ. Nhưng chúng tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Đó là một hiện tượng tự nhiên”, ông Anwar nhấn mạnh.

Từ lâu, cứ đến mùa đông, mức độ ô nhiễm ở miền Bắc Ấn Độ và miền Đông Pakistan tăng cao. Lớp khói bụi màu vàng đáng ngại từ việc nông dân đốt chất thải nông nghiệp, nhà máy điện đốt than, giao thông quá tải cùng với hiện tượng không có gió đã bao phủ bầu trời hai nước.

Mặc dù Ấn Độ và Pakistan trải qua nhiều thập kỷ căng thẳng và đôi khi mối quan hệ trở nên thù địch, nhưng khi vấn đề không khí ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn, hai nước láng giềng đang buộc phải đối mặt với trách nhiệm chung để giải quyết vấn đề.

Tại Ấn Độ, chất lượng không khí ở Delhi đạt mức chất lượng không khí nguy hiểm, với chỉ số trên 500 vào hai ngày cuối tuần. Một phần nguyên nhân là do người dân bất chấp lệnh cấm bắn pháo hoa tại địa phương khi ăn mừng Diwali, lễ hội ánh sáng của người Hindu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc hít thở không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim. Các chuyên gia cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ tệ đến mức khói bụi có thể cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người.

"Đây không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn là vấn đề nhân đạo", người đứng đầu tỉnh Punjab Maryam Nawaz cho biết vào tuần trước.

Chất lượng không khí trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông vì không khí lạnh và khô hơn, giữ lại không khí ô nhiễm, thay vì thổi bay đi. Đầu mùa đông cũng trùng với mùa đốt rơm rạ. Cả Ấn Độ và Pakistan đều đã cố gắng ngăncấm hành vi này nhưng nó vẫn còn phổ biến.

Tháng trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã lên án chính quyền các bang Punjab và Haryana của Ấn Độ vì đã không ngănchặn được hành vi đốt rơm rạ bất hợp pháp. Các quan chức địa phương tuyên bố họ đã giảm đáng kể hành vi này trong những năm gần đây.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bo-qua-cang-thang-pakistan-de-xuat-bat-tay-voi-an-do-vikhoi-bui-o-nhiem-ky-luc-20241105094414064.htm
Zalo