Bộ phận quản lý an toàn tại đơn vị kinh doanh vận tải sẽ phải đáp ứng yêu cầu nào?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó, bổ sung quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ.
Bắt buộc phải có bộ phận quản lý an toàn
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ phải có bộ phận quản lý an toàn, xây dựng và thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động vận tải.
Bộ phận quản lý an toàn phải có người trực tiếp điều hành vận tải và nhân lực đảm bảo ATGT cho lái xe, xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia hoạt động vận tải đường bộ.
Theo dự thảo, bộ phận này có nhiệm vụ: hàng ngày tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và qua các biện pháp quản lý khác của đơn vị.
Từ đó, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm như: xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị GSHT không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất ATGT khác. Các thông tin này phải được ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị vận tải để theo dõi.
Tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của lái xe về các vấn đề liên quan đến ATGT; tập hợp các yêu cầu của khách hàng; nắm bắt điều kiện các tuyến đường vận chuyển; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất ATGT.
Trước mỗi chuyến đi, người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý an toàn và người lái xe phải kiểm tra GPLX của người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với xe tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với xe hợp đồng; giấy vận tải (giấy vận chuyển) đối với xe vận tải hàng hóa…
Đặc biệt phải thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra).
Hàng tháng, quý, năm, phải thống kê quãng đường phương tiện chạy làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện. Thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị GSHT bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế.
Tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình vận tải; thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ TNGT đã xảy ra của từng lái xe và của toàn đơn vị; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi xảy ra TNGT từ nghiêm trọng trở lên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho toàn bộ người lái xe…
Rõ trách nhiệm của lái xe
Tại quy định về công tác bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải trong dự thảo Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của người lái xe phải thực hiện kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật phương tiện trước mỗi chuyến đi.
Trong đó phải kiểm tra thiết bị GSHT, camera lắp trên xe (đối với những xe bắt buộc phải lắp theo quy định) đảm bảo tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe.
Trước khi cho xe khởi hành, người lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị GSHT.
Khi xe hoạt động trên đường, phải chấp hành nghiêm các quy định về ATGT, chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của người lái xe, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe, thiết bị GSHT, camera đảm bảo luôn hoạt động. Báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất ATGT để đơn vị vận tải có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô, lái xe phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Khi kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc, phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị GSHT.
Trước khi rời khỏi xe, phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh), có hướng dẫn cho hành khách về ATGT và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe.
Không sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải hoạt động trên các tuyến đường có độ dốc dọc lớn hơn 10%;
Ngoài ra, đối với xe khách giường nằm hai tầng phải sử dụng lái xe kinh doanh vận tải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm điều khiển xe ô tô khách có trọng tải thiết kế trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).
Siết quản lý, ngăn tai nạn giao thông
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN đến hết năm 2023, có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với 946.000 phương tiện (vận tải cả hành khách, hàng hóa). Tuy nhiên, có đến hơn 82% đơn vị vận tải hành khách quy mô dưới 5 xe.
Các đơn vị vận tải cho rằng, với quy mô nhỏ lẻ, nhiều đơn vị không đủ nguồn lực để thành lập bộ phận quản lý an toàn.
Khẳng định vai trò của việc thành lập, duy trì bộ phận an toàn trong kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro cho hoạt động vận tải, ngăn chặn các vụ tai nạn có thể xảy ra liên quan đến phương tiện, lái xe, đại diện một doanh nghiệp vận tải khách tuyến Hà Nội – Thái Nguyên cho rằng, cần kiểm soát nghiêm các điều kiện hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải, dần dần tiến tới loại bỏ các doanh nghiệp manh mún, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường đảm bảo TTATGT.
Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho biết, quy định này phù hợp với Luật Đường bộ (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Dù đơn vị kinh doanh vận tải nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn nhưng khó vẫn phải làm để đảm bảo an toàn.