Bộ phận quản lý an toàn doanh nghiệp vận tải: giảm rủi ro, tăng trách nhiệm

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc DN vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn; người lái xe phải kiểm tra đầy đủ điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tham gia giao thông.

Các quy định này là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động vận tải, ngăn chặn từ sớm các nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Tăng trách nhiệm

Hiện thực hóa quy định tại khoản 13 điều 56 Luật Đường bộ 2024 về hoạt động vận tải, Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ điều 11 nêu rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ phải có bộ phận quản lý an toàn, xây dựng và thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động vận tải.

Theo đó, bộ phận này có nhiệm vụ hằng ngày tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và các biện pháp quản lý khác của đơn vị. Từ đó, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm;

Tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của lái xe liên quan đến ATGT; Tập hợp các yêu cầu vận chuyển của khách hàng, tìm hiểu, nắm bắt các điều kiện về tuyến đường vận chuyển và các nội dung khác có liên quan đến ATGT.

Trước mỗi chuyến đi, cán bộ quản lý an toàn phải kiểm tra giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện; giấy kiểm định; đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với xe tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với xe hợp đồng; giấy vận tải đối với xe vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt phải kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra); người lái xe phải kiểm tra đầy đủ điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tham gia giao thông.

Cán bộ quản lý an toàn của một DN vận tải đang thực hiện kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tham gia giao thông.

Cán bộ quản lý an toàn của một DN vận tải đang thực hiện kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tham gia giao thông.

Khi xe đang hoạt động trên đường, bộ phận quản lý an toàn phải theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe, nhắc nhở ngay khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian lái xe và thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất ATGT khác; Tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất ATGT.

Khi lái xe kết thúc nhiệm vụ, bộ phận an toàn phải thống kê các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở lái xe vi phạm, báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình xe hoạt động trên đường;

Hàng tháng, quý, năm, phải thống kê quãng đường phương tiện chạy làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình vận tải, số vụ, nguyên nhân, mức độ TNGT đã xảy ra của từng lái xe và của toàn đơn vị; Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi xảy ra TNGT từ nghiêm trọng trở lên; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho toàn bộ người lái xe…

Ngăn ngừa tai nạn

Nhìn nhận từ thực tế, hiện nay đã có nhiều DN kinh doanh vận tải chủ động thực hiện nghiêm việc thành lập và duy trì bộ phận quản lý an toàn, nhưng cũng có những đơn vị do số lượng xe hạn chế nên chưa thành lập bộ phận này, hoặc hoạt động cho có chứ chưa chặt chẽ, thực chất.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, quy định bắt buộc các DN kinh doanh vận tải phải thành lập, duy trì bộ phận an toàn là rất cần thiết để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý từ sớm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Đặc biệt là trong bối cảnh các vi phạm liên quan đến quá tốc độ, lái xe mệt mỏi, buồn ngủ do làm việc quá sức ngày càng nhiều, tình trạng vi phạm nồng độ cồn, ma túy vẫn còn tồn tại.

Đây là nhóm các hành vi có thể gây TNGT ở mức nghiêm trọng trở lên. Vì vậy, không thể chỉ chờ vào sự vào cuộc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng mà bản thân DN vận tải phải siết chặt kỷ luật, kiểm soát, nhắc nhở lái xe của đơn vị mình thực hiện nghiêm các quy định để quản lý rủi ro cho cả người lái và phương tiện.

Thạc sĩ kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cũng cho rằng, việc bắt buộc phải có bộ phận giám sát an toàn dù có một số khó khăn cho các DN vận tải hành khách nhỏ lẻ (chỉ có từ 1 - 3 xe), nhưng là bước tiến lớn thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong việc kéo giảm TNGT thông qua việc kiểm soát nghiêm các hành vi tiềm ẩn tai nạn.

Hơn thế nữa, từ điều kiện bắt buộc hoạt động của các DN kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn, các DN vận tải sẽ dần dần tiến tới loại bỏ hình thức và tư duy kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, manh mún, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường đảm bảo trật tự ATGT.

Với sự phối hợp giám sát chặt chẽ của DN vận tải, các bến xe, cùng với lực lượng chức năng, tin rằng việc đảm bảo ATGT trước, trong và cả sau khi phương tiện lưu thông trên đường sẽ có những chuyển biến tích cực.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-phan-quan-ly-an-toan-doanh-nghiep-van-tai-giam-rui-ro-tang-trach-nhiem.html
Zalo