Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu 8 giải pháp để xuất khẩu sớm đạt 65 tỷ USD
Bộ NN&MT đưa ra 8 giải pháp để đạt mục tiêu xuất khẩu, trong đó xác định việc phân công nhiệm vụ phải bảo đảm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành văn bản về kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển của ngành năm 2025. Trong đó phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm nay đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.
Kế hoạch hành động xác định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; việc phân công nhiệm vụ bảo đảm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành.”
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.
Thứ nhất là các đơn vị trong toàn bộ nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Thứ hai là hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ngân hàng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các dự án xanh, thúc đẩy tín dụng xanh và đầu tư vào các ngành kinh tế thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư kho bãi và hệ thống logistics để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản.
Thứ ba, bộ này sẽ tập trung cơ cấu lại các tiểu ngành, lĩnh vực và trong từng ngành thực chất, hiệu quả, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao hiệu quả từ nông sản có giá trị thấp sang nông sản có giá trị cao; chú trọng xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp.
Giải pháp thứ tư là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp với mục tiêu là mỗi lĩnh vực giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính giảm ít nhất 30% thời gian xử lý, giảm ít nhất 30% chi phí chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Thứ năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định sẽ thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong cấp phép, kiểm soát mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch nông sản quốc gia để đưa nông sản Việt Nam đến thị trường quốc tế nhanh và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị trong bộ và ngành, tăng cường chuyển đổi số; thực hiện đột phá trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các biện pháp canh tác bền vững, các giải pháp khoa học công nghệ, rải vụ hiệu quả nhằm giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Giải pháp thứ sáu là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, đối với thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...); mở cửa các thị trường mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng Bộ tiêu chí phân loại thị trường, xác định chỉ tiêu xuất khẩu theo tiểu ngành, lĩnh vực và thị trường, đặc biệt thị trường còn nhiềm tiềm năng; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật,… tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.
Đối với thị trường trong nước, kế hoạch hành động yêu cầu phải có lộ trình, phương án giải pháp rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao (như rau, hoa, quả), dễ bị tác động của điều kiện tự nhiên, thời tiết, làm giảm phẩm cấp, chất lượng; có giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Thứ bảy là thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản; khơi thông nguồn lực nội tại của ngành nông nghiệp và môi trường, tạo không gian mở, động lực mới thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn; xây dựng, cập nhật các kịch bản phòng chống thiên tai...
Giải pháp thứ tám là đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường./.