Bộ Nội vụ phản hồi về quản lý thầy cúng, thầy mo
Bộ Nội vụ thông tin, do không được đào tạo bài bản, không có cơ quan có thẩm quyền nào cấp chứng chỉ cho các thầy cúng, thầy mo mà đa phần là tự phong.
Hiện tượng thầy cúng, thầy mo tự phong
Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai có đề nghị Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý đối với hoạt động của điện thờ tư gia; quản lý hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng; hướng dẫn quản lý việc tuyên truyền hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng.
Về vấn đề trên, Bộ Nội vụ thông tin rằng, hoạt động tín ngưỡng được quy định tại Chương 3, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản liên quan (Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Hình sự...). Khái niệm “thầy cúng, thầy mo, thầy phong thủy...” là những người gắn với hoạt động tín ngưỡng có tính “chuyên nghiệp, chuyên sâu”. Do không được đào tạo bài bản, không có cơ quan có thẩm quyền nào cấp “chứng chỉ” mà do đa phần tự phong hoặc các “tổ chức phi chính phủ” phong tặng nên không được quy định trong các văn bản pháp quy của Nhà nước.
Bộ Nội vụ có cũng ý kiến rằng, Văn bản số 1400/TGCP-TGK ngày 28/11/2019 của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không để người dân xây dựng các điện phủ tư nhân trái phép nhằm tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người gây mất trật tự xã hội. Đồng thời, xử lý nghiêm việc xây dựng các cơ sở tín ngưỡng và tổ chức những hoạt động ảnh hưởng đến văn hóa đạo đức truyền thống và an ninh trật tự tại địa phương”.
Ngày 27/02/2023, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục có Công văn số 254/TGCP-TNTGK về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó, có đề nghị Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng các cơ sở thờ tự tư gia như các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng để hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người gây mất an ninh trật tự.
Hiện nay, Luật Tín ngưỡng và các văn bản hướng dẫn không công nhận “cơ sở tín ngưỡng tư gia”, “điện thờ tư gia” là cơ sở tín ngưỡng. Do vậy, “điện thờ tư gia” chỉ được phục vụ các thành viên trong gia đình, không được tập trung đông người (như cơ sở tín ngưỡng cộng đồng).
Bảo đảm sự lành mạnh của đời sống tín ngưỡng trên không gian mạng
Theo Bộ Nội vụ, tổ chức các hoạt động trên không gian mạng trong bối cảnh hiện nay là xu hướng có tính khách quan và tất yếu của thời đại, diễn ra trên mọi lĩnh vực, nhất là sau đại dịch Covid-19, trong đó, có hoạt động tôn giáo.
Nhận thức được vấn đề đó, Bộ Nội vụ đã chủ động trao đổi với các bộ, ngành liên quan thống nhất trình Chính phủ đưa nội dung hoạt động tôn giáo trực tuyến vào trong Nghị định 95/2023/NĐ- CP ngày 29/12/2023 thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, khi tổ chức các hoạt động tôn giáo theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được chấp thuận đăng ký hoạt động tôn giáo và các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật về thông tin, truyền thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, không gian mạng là một môi trường rất đặc biệt, không biên giới, xuyên không gian và thời gian, dễ ẩn danh, mạo danh.
Tại đây, các hoạt động mang tính chất cá nhân, gắn với quyền tự do ngôn luận cũng dễ dàng được thực hiện trên nhiều ứng dụng được tạo ra bởi nhiều nhà cung cấp ở các quốc gia khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm sự lành mạnh của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; hạn chế các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch chuẩn tuyên truyền trên không gian mạng, Bộ Nội vụ đã, đang và tiếp tục quan tâm thực hiện một số giải pháp sau như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó, có pháp luật về an ninh mạng cho chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo các tôn giáo, chủ động đưa các thông tin về tôn giáo, chính sách tôn giáo lên cổng thông tin của Bộ Nội vụ, của Ban Tôn giáo Chính phủ và cung cấp cho các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi trên môi trường mạng, góp phần hạn chế thông tin sai lệch.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành chức năng Trung ương, chính quyền địa phương liên quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Tính đến tháng 12/2024, ở Việt Nam, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo; với 28.065.030 tín đồ (chiếm trên 28% dân số cả nước), trong đó, có 61.061 chức sắc, 144.835 chức việc; cả nước có 29.921 cơ sở thờ tự.
Chính quyền các địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó, có gần 70 nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, với trên 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.