Bộ Nội vụ đề xuất quy định mới về tuyển dụng với công chức
Nguyên tắc tuyển dụng công chức phải đảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh.
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đề xuất quy định cụ thể về tuyển dụng đối với công chức.
Theo đó, nguyên tắc tuyển dụng công chức phải đảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh, tuyển chọn theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.
Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu vị trí việc làm và số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo cũng quy định các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức bao gồm: Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên;
Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Bộ Nội vụ đề xuất quy định cụ thể về tuyển dụng đối với công chức.
Dự thảo cũng nêu rõ những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức: Không cư trú tại Việt Nam; mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
Về phương thức tuyển dụng công chức, dự thảo quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.
Đối tượng xét tuyển là những người làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức; các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, sinh viên xuất sắc, người dân tộc thiểu số, đối tượng cử tuyển và các đối tượng khác ở khu vực ngoài nhà nước.
Ngoài các phương thức tuyển dụng quy định trên, cơ quan có thẩm quyền quản lý thực hiện hoặc phân cấp, ủy quyền việc ký kết hợp thực hiện một số công việc của vị trí việc làm công chức.
Dự thảo cũng đề xuất Chính phủ quy định chi tiết nội dung về phương thức tuyển dụng công chức.
Về thẩm quyền tuyển dụng công chức, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức bao gồm:
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước thực hiện tuyển dụng, phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tuyển dụng, phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tuyển dụng, phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tuyển dụng, phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Theo dự thảo, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ.
Phân loại vị trí việc làm
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung Chương III quy định riêng nội dung về Vị trí việc làm gồm 4 điều (từ Điều 11 đến Điều 14) về khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; thay đổi vị trí việc làm và nội dung quản lý về vị trí việc làm.
Theo dự thảo, khái niệm vị trí việc làm có 2 phương án, gồm:
Phương án 1: Vị trí việc làm là tên gọi xác định nhiệm vụ của công việc cụ thể gắn với chức danh chuyên môn nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ.
Phương án 2: Vị trí việc làm là tên gọi chức danh công chức chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, gắn với công việc và vị trí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền và kết quả, sản phẩm cụ thể.
Cấu trúc của vị trí việc làm gồm: Tên gọi; bản mô tả công việc; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; khung năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng đáp ứng công việc,…).
Bộ Nội vụ đề xuất phân loại vị trí việc làm gồm: Vị trí việc làm cán bộ; vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Nguyên tắc xác định vị trí việc làm phải phù hợp với tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.