Bộ Nội vụ đã cơ bản hoàn thành đề án liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Sáng 21/12, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2024 thực sự là năm với những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành Nội vụ. Theo đó, năm 2024, toàn ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách, kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Đặc biệt, Bộ, ngành Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả; trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 ĐVHC cấp huyện và 1.178 ĐVHC cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Bộ cũng tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.

Năm 2024, Bộ Nội vụ cũng nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả; chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phân cấp, phân quyền triệt để trong trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế-xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác đối ngoại công vụ với nhiều hoạt động hợp tác chiến lược, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong năm 2024, nhất là các công việc khó như sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; cải cách chế độ tiền lương, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Về những nhiệm vụ của ngành trong năm 2025, Phó Thủ tưởng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, xã hội không chỉ ở khía cạnh nhập bộ, ngành, cơ quan, đơn vị này với bộ, ngành, cơ quan, đơn vị kia mà còn ở các bộ, ngành, địa phương phải tinh gọn bên trong tổ chức của mình. Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy; phải ra được mô hình bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần tham mưu hình thành được cơ chế, chính sách đủ mạnh đủ ưu đãi để khuyến khích người tài, hỗ trợ người lao động khi người lao động nghỉ sớm; hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động. Hướng dẫn các địa phương, các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ của mình nhanh, khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo thận trọng, khoa học. Cần đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ trong tinh gọn bộ máy; loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài cho nền hành chính công. "Bộ máy có khoa học bao nhiêu, tinh gọn hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy do con người quyết định. Làm sao kết hợp với tinh gọn nhưng sắp lại đội hình, lựa chọn được tinh hoa, những người thực sự tâm huyết, thực sự có đóng góp, có kinh nghiệm, bản lĩnh”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Thông tin từ Bộ Nội vụ, trong năm 2024, về kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương (tính đến ngày 30/10), tổng số biên chế tinh giản là 16.149 người; trong đó bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người. Cũng trong năm 2024, các bộ, ngành và địa phương đã tuyển dụng được 39.218 công chức, viên chức. Trong đó bộ, ngành tuyển dụng 3.740 người; các địa phương tuyển dụng 35.541 người. Tuyển dụng 230 người theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (trong đó 170 sinh viên xuất sắc, 60 cán bộ khoa học trẻ). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng đạt nhiều kết quả. Năm 2024, cả nước đã đào tạo, bồi dưỡng 642.049 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã xử lý kỷ luật 4.741 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cán bộ là 390 người; công chức là 1.092 người, viên chức là 6.313 người. Bên cạnh đó trong năm nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra tình hình công chức, viên chức thôi việc/bỏ việc, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại Hà Nội, Cần Thơ. Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã tổ chức 23/23 cuộc thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-noi-vu-da-co-ban-hoan-thanh-de-an-lien-quan-den-sap-xep-tinh-gon-bo-may-i754082/
Zalo