Bộ Nội vụ chính thức có công văn yêu cầu tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng

Đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước và trong chỉ tiêu biên chế.

Bộ Nội vụ có công văn số: 5378/BNV-CCVC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Công văn nêu rõ: Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng viên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028-CV/VPTU) và Thủ tướng Chính phủ (công văn số 1480/VPCP) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Công văn của Bộ Nội vụ yêu cầu thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Công văn của Bộ Nội vụ yêu cầu thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Bộ Nội vụ yêu cầu sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu trên và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Công văn cũng nói rõ sau khi thực hiện xét đặc cách mới xét tuyển các trường hợp còn lại (Ảnh:V.N)

Công văn cũng nói rõ sau khi thực hiện xét đặc cách mới xét tuyển các trường hợp còn lại (Ảnh:V.N)

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã yêu cầu Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.

Ông Lê Vĩnh Tân nói: “Ngày hôm nay (ngày 7/11), tôi đã cho phát hành gửi đến 63 tỉnh thành, giải quyết về vấn đề thực hiện biên chế hợp đồng được cấp thẩm quyền cho phép trước 31/12/2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm, không vi phạm trong thời gian giảng dạy thì được xét tuyển vào biên chế viên chức. Năm 2015 còn biên chế thì chúng ta giải quyết ngay.

Biên chế năm 2015 còn, chúng ta chưa tuyển đủ, còn biên chế thì chúng ta tuyển đặc cách với các đối tượng này.

Đối tượng này khác với tuyển theo Nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh ở đây và là để gỡ rối cho các trường hợp vừa qua”.

Với công văn mới đây của Bộ Nội vụ và đặc biệt là phát biểu của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, giáo viên hợp đồng cả nước hoàn toàn có thể hy vọng được xét đặc cách.

Những tiêu chuẩn xét đặc cách được đưa ra khá rõ ràng và cụ thể, chỉ mong các địa phương và đặc biệt là thành phố Hà Nội thực hiện đúng và nghiêm túc chỉ đạo trên.

Vũ Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-noi-vu-chinh-thuc-co-cong-van-yeu-cau-tuyen-dung-dac-cach-giao-vien-hop-dong-post204269.gd
Zalo