Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ông Nguyễn Tiến Thanh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Thanh sinh năm 1968 tại Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông Nguyễn Tiến Thanh (người bên trái) nhận Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thanh (người bên trái) nhận Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ông Thanh có hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí. Về quá trình công tác, ông Thanh từng trải qua các vị trí: Phóng viên báo Thanh Niên (4/1991-3/1996); Phó ban biên tập báo Thanh Niên (3/1996-1/1999); Phó Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội (1/1999-11/2001); Phó Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật (11/2001-5/2010); Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật (5/2010-4/2020); Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật (4/2020- đến khi được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Nhà xuất bản Việt Nam).

Phát biểu tại lễ bổ nhiệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành được trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Các bộ sách giáo khoa được xuất bản bảo đảm đúng tiến độ, số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn, đồng thời đã có những cố gắng trong giảm giá sách giáo khoa. Điều này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, nỗ lực, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, so với kỳ vọng của đất nước, của ngành Giáo dục và của mỗi học sinh, giáo viên vẫn còn những việc khiến dư luận xã hội băn khoăn, trăn trở về sự phát triển và đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.

Đứng trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, so với các tập đoàn kinh tế lớn, quy mô của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn nhỏ bé; song xét về phương diện vị trí, vai trò, sự ảnh hưởng, tác động xã hội, sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội đối với đơn vị lại vô cùng lớn. Do đó rất cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa từ nhân sự mới, từ đội ngũ cán bộ, nhân viên để tiếp tục đưa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào chặng đường mới với kỳ vọng mới.

Nhận định biên soạn sách giáo khoa đã đi được một chặng đường quan trọng, nhưng theo Bộ trưởng, chặng đường sắp tới không chỉ là câu chuyện sách giáo khoa. Nhà xuất bản cần có những đột phá, tiên phong trong chặng đường đổi mới sắp tới của ngành Giáo dục. Theo đó, không chỉ xuất bản sách giáo khoa, tư liệu tham khảo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần cung cấp các ấn phẩm khác phục vụ nghiên cứu, học thuật, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật… vừa nâng cao dân trí, vừa phục vụ mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, đúng như mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo.

“Hai từ “giáo dục” không chỉ là tên gọi mà còn phải là một tinh thần, một triết lý. Chúng ta không phải là một doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, mà là một nhà xuất bản cần mô hình hoạt động của doanh nghiệp để hoàn thành trách nhiệm của giáo dục… Lúc này, tinh thần giáo dục phải là tinh thần lớn nhất của nhà xuất bản. Doanh nghiệp, kinh doanh, thu lợi là công cụ để chúng ta thực hiện trách nhiệm giáo dục với xã hội”, ông Sơn phát biểu.

Từ nhấn mạnh này, Bộ trưởng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những điều chỉnh về chiến lược, cơ cấu tổ chức bộ máy, mở rộng những phương diện cần mở rộng và thu hẹp hoạt động phải thu hẹp. Phải có sự cải tổ từ bên trong, phát huy truyền thống của Nhà xuất bản với đội ngũ chuyên gia, nhà biên tập hùng hậu để thực hiện tốt trách nhiệm với ngành, với đất nước.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng giám đốc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua nhiều thách thức đang đặt ra, vận hành được Nhà xuất bản một cách tốt nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ cầm tờ quyết định mà lãnh đạo Bộ tín nhiệm trao cho, cảm thấy trang giấy A4 mỏng manh này thật trĩu nặng. Trĩu nặng trách nhiệm. Trĩu nặng suy tư và cả những âu lo: làm sao để trong thời gian ngắn nhất học hỏi, thích nghi và nắm bắt được công việc mới, để cùng tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động trong hệ thống Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam bước tiếp hành trình mà những thế hệ đi trước đã khai mở.

Với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tổ chức tốt công việc sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, cải thiện đời sống người lao động… Việc bảo toàn vốn Nhà nước, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là phương tiện, là công cụ để thực hiện mục tiêu mang tính giá trị cốt lõi: hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nghĩa vụ xã hội, đó là cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng.

Ông thẳng thắn nhìn nhận cách đây một, hai năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải đối mặt với những sóng gió, thậm chí là cả những khủng hoảng, vì những lý do khách quan và chủ quan. Đã có cả những vấp ngã xót xa và đáng tiếc. Nhưng rồi, trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, không chỉ đơn thuần bằng quyết tâm hay cố gắng, mà còn bằng cả sự gắn bó, lòng tự hào về truyền thống và sự đam mê nghề nghiệp, cộng với sự đoàn kết nỗ lực của cả tập thể đã mang lại những thành quả.

"Đối với cá nhân tôi, tôi hiểu rằng, công việc có thể là mới mẻ, môi trường công tác và những kỹ năng cần thiết trong việc quản trị có thể mới mẻ, nhưng những giá trị mà tôi cần dựa vào để hoàn thành công việc của mình trong thời gian tới lại là những điều rất cũ: tinh thần đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi, sự liêm chính và tận tâm với trách nhiệm được giao…", ông Thanh nói.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-nhiem-chu-tich-hoi-dong-thanh-vien-tong-giam-doc-nxb-giao-duc-viet-nam-post1644150.tpo
Zalo