Bộ Ngoại giao đang đàm phán với 15 quốc gia để miễn thị thực song phương

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ Ngoại giao đang đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ cũng đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.

Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.

Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng?

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch…

Tuy nhiên hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thức cho công dân Việt Nam còn khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn thành phố Hải Phòng) lại chất vấn Bộ Ngoại giao đã triển khai các biện pháp gì để bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các nơi xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua? Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương - đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam.

Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.

Về ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021 - 2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời có một số nội dung mới.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc.

Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.

Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao...

Trả lời về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, khi xung đột xảy ra, Bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Đến nay, mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-ngoai-giao-dang-dam-phan-voi-15-quoc-gia-de-mien-thi-thuc-song-phuong-167729.html
Zalo