'Bộ não số' IOC thúc đẩy chuyển đổi số Hà Nam
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Hà Nam được coi là một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số, cũng như xây dựng chính quyền số của tỉnh.
Chuyển đổi số là động lực cho phát triển toàn diện
Hà Nam xác định chuyển đổi số là động lực cho sự phát triển toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Để hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định phục vụ công tác chuyển đổi số. Đến nay, Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả thiết thực từ công tác chuyển đổi số, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo Sở TT&TT Hà Nam, đến tháng 12/2024, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có mạng cục bộ và kết nối Internet; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các dịch vụ, nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin.
Hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tạo điều kiện dễ dàng người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ với giá cước rẻ và chất lượng ngày càng tăng.
Ngoài việc 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, hiện Viettel Hà Nam cũng đã triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân.
Cũng theo Sở TT&TT, năm 2025, Hà Nam sẽ tiếp tục phủ sóng 5G trên phạm vi toàn tỉnh, coi đó là hạ tầng số quan trọng góp phần đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số.
Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 90% tổng số thuê bao di động (bình quân cả nước là hơn 84%, số liệu đến tháng 8/2024).
Về dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Hà Nam hiện đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66,61%, gấp hơn ba lần so với trung bình cả nước (17%).
Hệ thống thủ tục hành chính đã được kết nối đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp tăng tốc độ xử lý và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Hà Nam là một trong 8 tỉnh thuộc nhóm đầu hoàn thành các điều kiện kết nối và được phê duyệt triển khai chính thức cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, tỉnh Hà Nam cũng đang tích cực số hóa tài liệu giấy, làm giàu kho dữ liệu số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Dấu ấn “bộ não số” IOC
Tháng 3/2020, Hà Nam chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Trung tâm được ví như “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn toàn cảnh về tỉnh trên mọi lĩnh vực.
Sau khi được đưa vào hoạt động, IOC Hà Nam đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành về trung tâm điều hành.
Cụ thể, các phần mềm ứng dụng tích hợp online như y tế, giáo dục, giao thông; cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh, quản lý văn bản và điều hành, giám sát môi trường, camera thông minh tại một số điểm trên địa bàn thành phố Phủ Lý; phần mềm cập nhật offline: báo cáo KT-XH.
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, cũng như xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nam.
Theo Sở TT&TT Hà Nam, hiện IOC Hà Nam đã được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan đơn vị, địa phương khai thác phục vụ ngành. Hà Nam cũng là tỉnh đầu tiên triển khai được việc này.
Năm 2024, Sở TT&TT cũng đã tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của IOC, nhằm nâng cao chất lượng hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền số vì người dân phục vụ.
Sau 4 năm được đưa vào hoạt động, IOC tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền số, hỗ trợ công tác giám sát và điều hành thông qua các chỉ số ở các lĩnh vực, góp phần đẩy nhanh hiệu quả công cuộc chuyển đổi số của Hà Nam.