Bộ máy mới của Ban Nội chính Trung ương sau tinh gọn giảm 2 đầu mối

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương có 10 đơn vị trực thuộc sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm 2 đầu mối so với trước đây.

Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 215/2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.

10 đơn vị trực thuộc

Theo quyết định này, Ban Nội chính Trung ương có 10 đơn vị trực thuộc. Bao gồm Vụ Tham mưu xử lý vụ án, vụ việc; Vụ Pháp luật; Vụ Nghiên cứu tổng hợp; Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Vụ Cơ quan nội chính; Vụ Cải cách tư pháp.

Vụ Địa phương I (tại Hà Nội), Vụ Địa phương II (tại Đà Nẵng), Vụ Địa phương III (tại TP.HCM) và Văn phòng.

 Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương cho Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: NOICHINH

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương cho Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: NOICHINH

Ban Nội chính Trung ương có chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chi đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Ban Nội chính Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; thẩm định hoặc tham gia ý kiến đối với các đề án, các chủ trương thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia về công tác tổ chức, cán bộ.

Ban Nội chính Trung ương còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Cơ quan Thường trực của Ban Chi đạo Cải cách tư pháp Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Nội chính Trung ương theo quy định.

Hợp tác quốc tế về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp theo quy định và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao.

Được yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc đột xuất

Ban Nội chính Trung ương có quyền yêu cầu các cơ quan nội chính, tư pháp Trung ương, các ban, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan làm việc, báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Tham dự các cuộc họp, hội nghị của các ban, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo và các phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh.

Ban Nội chính Trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan Thường trực của các Ban Chỉ đạo này.

Ban sẽ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ban Chi đạo theo quy định.

“Quan hệ giữa Ban Nội chính Trung ương với các ban, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp. Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban, quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan và theo các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư” – Quyết định 215 nêu rõ.

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-may-moi-cua-ban-noi-chinh-trung-uong-sau-tinh-gon-giam-2-dau-moi-post827894.html
Zalo