Bộ Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm về việc tái khởi động điện hạt nhân

Ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 17/10, tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ được tổ chức tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đề nghị cho biết quan điểm của Bộ về việc tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO2 theo các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), chuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết.

Trong đó, xu thế của nhiều nước hiện nay là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện. Điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới.

Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

“Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Như vậy bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn”, ông Phạm Quang Minh đánh giá và cho rằng, trong trường hợp khởi động lại các dự án điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước. Đồng thời, là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước như: Cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim…

“Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thấy rằng việc nghiên cứu, xem xét khởi động lại các dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Phạm Quang Minh nói.

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-neu-quan-diem-ve-viec-tai-khoi-dong-dien-hat-nhan-20241017172129242.htm
Zalo