Bỏ hẳn phương thức xét tuyển đại học sớm

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sẽ bỏ xét tuyển sớm và có thêm nhiều thay đổi trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025

Chiều 16-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết bộ chính thức "chốt" các điểm mới trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non.

Xét tuyển sớm là gánh nặng lớn

Theo đó, Bộ GD-ĐT quyết định bỏ hẳn xét tuyển sớm (chỉ xét tuyển thẳng theo quy chế) từ mùa tuyển sinh năm 2025.

Trước đó, tại dự thảo thông tư được lấy ý kiến rộng rãi vào tháng 11-2024, Bộ GD-ĐT quy định việc xét tuyển sớm giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT quyết định loại bỏ xét tuyển sớm. PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng trước đây, các trường ĐH thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển một ngành đào tạo.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP HCM năm 2025. Ảnh: HUY LÂN

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP HCM năm 2025. Ảnh: HUY LÂN

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp, Bộ GD-ĐT nhận được nhiều phản hồi, góp ý của các chuyên gia cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm. Bởi lẽ, tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT; thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.

Thêm vào đó, xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các trường. Việc này cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi phải nộp hồ sơ vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.

Một thay đổi quan trọng khác là nếu thí sinh dùng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển thì phải sử dụng kết quả của cả năm học lớp 12, thay vì dùng điểm của 3 - 5 kỳ học như trước đây. Giải thích về quyết định này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng lý do quan trọng là để thí sinh không lơ là học tập ở năm lớp 12, nhất là học kỳ II. Các em vẫn phải hoàn thành thật tốt việc học để có điểm tổng kết tốt trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều thay đổi quan trọng

Thí sinh cũng cần lưu ý một điểm mới nữa là từ mùa tuyển sinh năm 2025, các cơ sở đào tạo phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của Quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển.

Ngoài ra, điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng). Đồng thời, tổng điểm xét tuyển của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa.

Trong quy chế mới, Bộ GD-ĐT cũng bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành/chương trình đào tạo chỉ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết theo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non sắp ban hành, từ năm 2026, các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển sẽ chiếm tối thiểu 50% số điểm xét tuyển.

Liên quan những thay đổi trong việc điểm xét tuyển, trúng tuyển của thí sinh phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển và các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng điều này nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, mục đích là các trường lựa chọn được thí sinh trúng tuyển dựa vào năng lực, phẩm chất, kỹ năng của các em. Những thí sinh giỏi hơn sẽ trúng tuyển trước, không phụ thuộc vào chỉ tiêu của phương thức cụ thể nào.

Liên quan các quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các ngành sư phạm và sức khỏe, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết vẫn giữ nguyên như quy chế hiện hành, chưa thay đổi.

Talkshow trực tuyến: Những điểm mới trong tuyển sinh 2025

Nhằm giúp thí sinh và phụ huynh nắm rõ những thay đổi quan trọng trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2025, vào lúc 14 giờ ngày 18-2, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow trực tuyến với chủ đề "Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2025". Đây là hoạt động khởi động cho chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần 24 - năm 2025 của báo.

Tham gia chương trình có: TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing; TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

Chương trình sẽ thông tin về những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2025; về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM; những thay đổi quan trọng trong đề án tuyển sinh của các trường...

Ngay bây giờ, thí sinh có thể đặt câu hỏi tại địa chỉ nld.com.vn để được giải đáp.

H.Lân

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-han-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-som-196250216202538489.htm
Zalo