Bộ GTVT giải ngân gần 7500 tỷ đồng vốn đầu tư công trong quý I/2022
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quý I/2022, Bộ đã giải ngân khoảng 7.492 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch đã giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 7.492 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các dự án ODA dự kiến giải ngân khoảng 730 tỷ đồng; dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 dự kiến giải ngân gần 2.300 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách khoảng 390 tỷ đồng; các dự án giao thông trong nước khác dự kiến khoảng 960 tỷ đồng.
Theo kế hoạch các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đã đăng ký, trong quý II/2022, khối lượng giải ngân ngành giao thông khoảng 11.140 tỷ đồng, lũy kế hết quý II khoảng 18.500 tỷ đồng, đạt gần 37% kế hoạch. Riêng tháng 4, khối lượng giải ngân được đăng ký khoảng 3.720 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến hết tháng 4 khoảng 11.120 tỷ đồng, đạt khoảng 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm nay, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 50.328 tỷ đồng, Bộ đã giao kế hoạch chi tiết cho các chủ đầu tư/ban quản lý dự án 41.955 tỷ đồng, đạt 83,4%; trong đó, phân bổ 100% vốn nước ngoài và 81,6% vốn trong nước (37.078 tỷ đồng).
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm nay ngành giao thông tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 3 dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm và 8 dự án khác vào năm 2023. Đồng thời, ngành thực hiện thủ tục đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021- 2025 sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong tuần này.
Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án, các Sở GTVT khẩn trương hoàn thành nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A cần thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dài theo quy định.
Bên cạnh đó, các đơn vị xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, phân trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao hiệu quả thi công, không chờ lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới thu thập số liệu hiện trường và chưa thống nhất với các địa phương về chủ trương thực hiện dự án.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các ban quản lý dự án, các Sở GTVT cần phối hợp với cơ quan chức năng địa phương sớm giải quyết các điểm nóng về mặt bằng, cắm cọc bàn giao, sẵn sàng mặt bằng sạch... đảm bảo khi được phê duyệt có thể thi công đồng loạt.
Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng cần tăng cường giám sát hiện trường, xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chậm tiến độ dự án.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện còn 19 bộ, cơ quan Trung ương và 20 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết là 51.015,655 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng). Trong đó, vốn trong nước còn gần 49.444 tỷ đồng, vốn ngoài nước còn gần 1.572 tỷ đồng.
Cụ thể, số vốn đầu tư công chưa được các bộ, cơ quan trung ương phân bổ còn trên 15.239 tỷ đồng; chiếm 13,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa được các địa phương phân bổ còn trên 35.776 tỷ đồng, chiếm 8,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.