Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 30/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành Giao thông vận tải (GTVT) năm 2025.

Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Năm 2024, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, xác định công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng nhất, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện; các chủ thể tham gia huy động tối đa nguồn lực, tập trung xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tổ chức thi công “3 ca 4” kíp để đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng.

Trong năm, khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Đến nay, đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km; rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025; hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại. Bộ được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo kế hoạch năm 2024; 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% KH và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% KH.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, chất lượng đời sống, hạnh phúc của nhân dân và duy trì sự phát triển bền vững của đất nước. Đến nay, đã xử lý 15 điểm đen; 11 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thôngg; 160 vị trí có nguy cơ mất ATGT; thực hiện sửa chữa đột xuất để bổ sung các công trình, hạng mục công trình ATGT đối với trên 640 trường học và tiếp tục rà soát xử lý triệt để các vị trí trường học còn bất cập, nguy cơ mất ATGT. Trong năm, toàn quốc xảy ra 23.837 vụ, làm chết 10.996 người, bị thương 17.705 người. So với năm 2023, tăng 855 vụ (3,72%), giảm 889 người chết (-7,48%), tăng 1.578 người bị thương.

Đối với việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, Bộ GTVT tiếp tục được các cơ quan, đơn vị thực hiện và đạt được những kết quả tích cực; hoàn thành kế hoạch cung cấp 100% các thủ tục hành chính (TTHC) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; duy trì cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ 82,6% so với tổng số TTHC) trên Cổng Dịch vụ công của Bộ và 308 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại cơ quan Bộ và các Cục trực thuộc, đạt 100% KH. Hoàn thành 30/54 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; trong đó hoàn thành 8/11 (đạt 72,7%), còn 3/11 nhiệm vụ dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Bộ GTVT đang xây dựng 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung. Hoàn thành nâng cấp nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu để chia sẻ, kết nối các dữ liệu chuyên ngành của Bộ với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến nay, có 55,2 triệu dữ liệu của Bộ GTVT được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Bộ GTVT tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Đến nay, có 14,2 triệu hồ sơ giấy phép lái xe được tích hợp lên ứng dụng định danh quốc gia VNeID...

Năm 2025, tiếp tục đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án Luật, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư, đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT. Đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Khối lượng hàng hóa tăng khoảng 9%, hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 9%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam dự kiến đạt khoảng khoảng 900 triệu tấn. Phấn đấu giải ngân trên 95% KH được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao dự toán. Phấn đấu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án...

Tại hội nghị, các đại biểu tham luận về tình hình thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; triển khai dự án trọng điểm nhanh, hiệu quả; công tác cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực phía Nam...

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai dự án giao thông trọng điểm theo hình thức BOT giao cho địa phương là cơ quan chủ quản. Theo đó, ngày 1/1/2024, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư PPP (giai đoạn I) chính thức khởi công xây dựng, thực hiện giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, UBND tỉnh Cao Bằng vinh dự được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án. Đến nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 93,14km/93,35km, đạt 99,78% chiều dài tuyến giai đoạn I. Trên hiện trường đang đẩy nhanh tiến độ các mũi thi công; tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2026, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, đồng chí nêu một số bất cập và đề xuất một số giải pháp cần tháo gỡ như: Trung ương đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện cho cán bộ được học tập, trau dồi kinh nghiệm; phân quyền toàn diện cho địa phương được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ động thực hiện cập nhật, bổ sung quy hoạch với các mỏ vật liệu, bãi chứa đất đá dư thừa…; cho phép được sử dụng các nguồn vốn của mình để hỗ trợ địa phương khác thực hiện dự án. Quan tâm đầu tư tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua các thị trấn lưu lượng xe quá tải; quan tâm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng trong giai đoạn tiếp theo; tiếp tục đầu tư các tuyến đường ngang, vành đai nối tỉnh Hà Giang...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành GTVT trong năm 2024 đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính đột phá cao. Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cơ bản được bảo đảm, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý.

Yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, làm tốt công tác sắp xếp, đổi mới bộ máy tổ chức lãnh đạo quản lý từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Tập trung rà soát, đánh giá, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh triệt để phân cấp, phân quyền cho địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đẩy mạnh hơn nữa và lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực, dẫn dắt trong việc khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, bảo hành, bảo trì các công trình trọng điểm, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, để phát triển nhanh, bền vững các công trình giao thông.

Làm tốt công tác quy hoạch, phát triển ngành công nghiệp - dịch vụ vận tải góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025...

M.H

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bo-giao-thong-van-tai-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025-3174593.html
Zalo