Bộ Giao thông vận tải đề xuất quản lý đường sắt quốc gia

Đây là đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Cụ thể, Bộ đề xuất: Đường sắt quốc gia là đường sắt do Bộ Giao thông vận tải quản lý, phục vụ nhu cầu vận tải của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế.

Đường sắt địa phương đi qua hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên là đường sắt vùng

Cụ thể, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải đề xuất hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương và đường sắt chuyên dùng được quy định như sau:

Đường sắt quốc gia là đường sắt do Bộ Giao thông vận tải quản lý, phục vụ nhu cầu vận tải của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đường sắt địa phương là đường sắt do địa phương quản lý, bao gồm: đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận; đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đáng chú ý, trường hợp đường sắt địa phương đi qua địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên được gọi là đường sắt vùng.

Đường sắt chuyên dùng là đường sắt do tổ chức, cá nhân quản lý, phục vụ nhu cầu vận tải của tổ chức, cá nhân.

Quy định về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt vùng

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 chưa có quy định về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt vùng. Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất: Đầu tư xây dựng công trình đường sắt là việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, cải tạo công trình đường sắt theo quy định của pháp luật.

Đối với việc đầu tư xây dựng đường sắt vùng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương có tuyến đường sắt đi qua thống nhất giao cho một địa phương chủ trì lập đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định; cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quyết định giao cho một địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư.

Kinh phí để thực hiện đầu tư đường sắt vùng được phân bổ cho các địa phương theo tỉ lệ tương ứng với chiều dài tuyến đường sắt đi qua mỗi địa phương hoặc theo tỉ lệ được thống nhất giữa các địa phương với nhau.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao là cơ quan chủ quản đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt vùng.

Về tài sản hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tổng chiều dài 3.143km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ bắc đến nam), có 5 tuyến chính, trong đó có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với đường sắt Trung Quốc và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt.

Xem toàn văn dự thảo và góp ý: Tại đây.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-giao-thong-van-tai-de-xuat-quan-ly-duong-sat-quoc-gia-post308931.html
Zalo