Bộ Giáo dục Mỹ làm được gì trước khi ông Trump đòi xóa sổ?

Bộ Giáo dục Mỹ được Quốc hội Mỹ thành lập từ năm 1979, đảm nhận nhiều vai trò liên quan chính sách nhưng không có quyền can thiệp chương trình học của trẻ.

 Ông Trump lên kế hoạch xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: Abaca.

Ông Trump lên kế hoạch xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: Abaca.

Đầu tháng 2, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền ông Donald Trump đã bắt đầu soạn thảo một sắc lệnh hành pháp nhằm khởi động quá trình xóa bỏ Bộ Giáo dục.

Thực tế, từ trước đó, ông Trump nhiều lần nói rằng Bộ Giáo dục Mỹ là ví dụ điển hình của việc chính phủ can thiệp quá mức. Không riêng ông Trump, Đảng Cộng hòa của nước này cũng từng kêu gọi giải thể bộ ngay khi mới thành lập.

Trợ cấp cho trường công

Bộ Giáo dục Mỹ được Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1979, tuyển dụng hơn 4.000 nhân sự và ngân sách hàng năm khoảng 79 tỷ USD. Trách nhiệm của bộ được các nhà lập pháp phân công và bộ này đóng vai trò khá lớn trong công tác hỗ trợ giáo dục công lập.

Ví dụ, hầu hết tiền tài trợ cho các trường công lập ở Mỹ cũng có sự đóng góp của bộ, dù chỉ chiếm khoảng 6-13%, phần còn lại đến từ các tiểu bang và địa phương.

Năm 2023, Bộ Giáo dục Mỹ nhận hơn 18 tỷ USD để trợ cấp cho cộng đồng thu nhập thấp theo Đạo luật I và hơn 15 tỷ USD để hỗ trợ cho học sinh khuyết tật theo Đạo luật IDEA.

NPR lưu ý rằng cả hai nguồn tài trợ này cũng giống như Bộ Giáo dục, đều được tạo ra từ những đạo luật riêng của Quốc hội Mỹ. Hai đạo luật này sẽ không thể bị hủy bỏ trừ khi được Quốc hội thông qua. Hơn nữa, những thay đổi đối với hai đạo luật sẽ không thể xảy ra vì số tiền hỗ trợ đều được 2 đảng ủng hộ rộng rãi.

Dù mang tên là Bộ Giáo dục, tổ chức này lại không có quyền quyết định những gì được dạy ở trường học. Trong nhiều năm qua, ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ đóng cửa Bộ Giáo dục để "trả lại giáo dục, công tác giảng dạy và nhu cầu giáo dục cho các tiểu bang".

Trên thực tế, các tiểu bang đã, đang tự quyết định những điều được dạy ở trường. Giáo sư Kenneth Wong tại Đại học Brown nói rằng chính quyền liên bang không có quyền nhúng tay can thiệp chương trình giảng dạy hay công tác tuyển dụng nhân sự.

 Bộ Giáo dục Mỹ có khoảng 4.000 nhân sự. Ảnh: NRP.

Bộ Giáo dục Mỹ có khoảng 4.000 nhân sự. Ảnh: NRP.

Chịu trách nhiệm khoản vay sinh viên

Ngoài trợ cấp cho trường công, Bộ Giáo dục Mỹ cũng chịu trách nhiệm cho các khoản vay sinh viên với số tiền lên đến 1.600 tỷ USD. Bộ cũng chịu trách nhiệm về cơ chế, cho phép sinh viên tiếp cận khoản vay này.

Ước tính hơn 17 triệu sinh viên điền vào đơn xin hỗ trợ tài chính sinh viên (viết tắt là FAFSA) để đủ điều kiện nhận khoản vay, trợ cấp và nhiều khoản khác. Đối với nhiều người, đây là cách duy nhất để họ được hỗ trợ thanh toán học phí đại học.

Những sinh viên vay tiền sẽ được vào danh mục do Văn phòng Hỗ trợ tài chính cho sinh viên liên bang (FSA) quản lý. Theo thông tin công bố trên trang web, FSA cung cấp khoảng 120,8 tỷ USD tiền trợ cấp, lương làm thêm và tiền cho vay mỗi năm. Trong số đó, 33 tỷ USD được đưa vào khoản trợ cấp Pell dành cho sinh viên thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, FSA cũng giám sát các đơn vị dịch vụ cho vay sinh viên, các công ty bên ngoài mà văn phòng thuê để làm việc trực tiếp với người có nhu cầu vay.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Mỹ cũng có nhiệm vụ duy trì và thu thập dữ liệu từ các trường đại học và chương trình dạy nghề. Điều này cho phép sinh viên và phụ huynh phân tích, so sánh và theo dõi những thông tin liên quan tuyển sinh, kết quả học tập, tỷ lệ tốt nghiệp...

Bộ cũng giám sát bảng điểm quốc gia, hay còn được gọi là Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia (NAEP). Bảng điểm này được coi là tiêu chuẩn vàng cho các bài kiểm tra thành tích của học sinh ở môn Đọc, Toán và Khoa học.

Thực tế, đánh giá này do Quốc hội Mỹ yêu cầu xây dựng, được chính phủ liên bang quản lý vào năm 1969 - một thập kỷ trước khi bộ được thành lập.

Bảng điểm quốc gia từ lâu đã đóng vai trò là thước đo chung cho thành tích của học sinh và là một công cụ đặc biệt có giá trị kể từ những năm xảy ra đại dịch.

Ngoài việc làm sáng tỏ mức độ học sinh thiếu hụt kiến thức, kỹ năng học tập, bảng điểm còn cho phép Mỹ theo dõi tình trạng nghỉ học, mức độ nghèo đói và trải nghiệm giáo dục của học sinh. Dữ liệu do NAEP tạo ra cũng được các nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu sử dụng để cải thiện giáo dục K-12 trên toàn quốc.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bo-giao-duc-my-lam-duoc-gi-truoc-khi-ong-trump-doi-xoa-so-post1529773.html
Zalo