Bộ GD&ĐT tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo...

Tình trạng thiếu giáo viên khiến các địa phương, trường học phải “giật gấu vá vai”, co kéo để có thầy, cô giáo đáp ứng công tác dạy học.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, cả nước đã tuyển dụng gần 19.500 giáo viên.

Tính đến hết năm học 2023-2024, cả nước có hơn 1,2 triệu giáo viên. So với năm học trước, số lượng giáo viên các cấp tăng thêm trên 17.200 giáo viên.

Đối với năm học 2024-2025, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Cụ thể, mầm non tăng hơn 2.300 nhóm lớp, phổ thông tăng trên 7.100 lớp. Thực trạng này khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo; Đồng thời, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng…

Lớp học của một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh giaoducthoidai.vn

Lớp học của một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh giaoducthoidai.vn

Trước thực trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật. Dự tính, số lượng được tuyển dụng theo đề xuất trên khoảng 10.000 giáo viên.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026. Tuy nhiên các địa phương vẫn không tuyển đủ số giáo viên theo biên chế được giao.

Mời quý độc giả xem video: thầy Lê Văn Thắng, giáo viên tại điểm trường thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chia sẻ về ước mơ của mình:

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bo-gddt-tim-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-2021871.html
Zalo