Bộ GD-ĐT: 'Siết' dạy thêm, học thêm để học sinh có thời gian vui chơi, tập luyện thể thao...

Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc…

Đó là ý kiến trao đổi của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT với báo chí liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Ngày 30.12.2024, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới nhằm khắc phục được những tồn tại trong hoạt động dạy thêm, học thêm thời gian qua. Thông tư đã nhận được sự ủng hộ lớn từ xã hội; tuy vậy, vẫn không tránh khỏi nhiều ý kiến trái chiều đến từ giáo viên phổ thông ở các nhà trường.

Các giáo viên lo lắng, khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thu nhập hằng tháng đối với những giáo viên đang tham gia dạy thêm học sinh chính khóa ở bên ngoài trường, thậm chí là dạy ở nhà của thầy cô.

 Ngoài giờ học chính khóa, học sinh phải chạy xô tới các lớp học thêm (Ảnh: minh họa)

Ngoài giờ học chính khóa, học sinh phải chạy xô tới các lớp học thêm (Ảnh: minh họa)

"Siết" dạy thêm khắc phục việc học sinh đặc kín lịch học từ sáng đến khuya

- Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Thông tư số 29/2024/TT-BGDDT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã có nhiều điểm mới. Trong đó nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm và các đối tượng học thêm không thu tiền. Ông có thể cho biết lý do hạn chế đối tượng được dạy thêm trong nhà trường và không được thu tiền của học sinh?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Dạy thêm học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt thực tế chúng tôi thấy rằng, cũng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm.

Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả. Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GD-ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường làm sao đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình 2018 đó là phát triển năng lực học sinh. Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Điểm mới trong Thông tư lần này là Bộ GD-ĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh gồm: học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.

Nguyên nhân là do với chương trình đó, đội ngũ đó nhưng vẫn còn có học sinh chưa đạt thì nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Thứ hai là dạy thêm cho đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi. Số này không nhiều và không phải một học sinh được lựa chọn ở tất cả các môn học cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường. Thứ ba là học sinh lớp 9, lớp 12 ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp được học thêm trong trường học.

Tuy nhiên, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp phải nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, do nhà trường chủ động quyết định, sắp xếp, bố trí và không được thu tiền của học sinh.

Với quy định này, đã có trường băn khoăn có thể vướng, nhưng đây là việc nhà trường hoàn toàn có thể sắp xếp giáo viên phụ trách các môn học một cách hợp lý để dành cho việc ôn thi, giúp các em củng cố, tổng hợp lại kiến thức. Với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/ tuần. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.

Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… tôi tin rằng, những người làm nghề, tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này cần thiết. Dần dần, phụ huynh và cả xã hội cũng cần hướng tới điều đó, học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết.

 PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT

- Vậy việc “cấm” dạy thêm trong trường liệu có ảnh hưởng tới yêu cầu thành tích, điểm số, trong bối cảnh nhiều trường học vẫn còn “nặng” vấn đề này không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Với yêu cầu đề kiểm tra, đánh giá, thi cử hiện nay đều phải bám theo yêu cầu chung của chương trình. Lâu nay, phụ huynh vẫn có tâm lí lo sợ con mình không học sẽ thua thiệt so với con gười khác nên cố theo đuổi dù không chắc rằng liệu có hiệu quả hay không.

Ngược lại, trong các kỳ thi cho thấy rất nhiều thủ khoa, á khoa đến từ các vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn, không đi học thêm. Nếu nói nhà trường không tổ chức ôn thi, chất lượng giảm sút hay không tổ chức cho tất cả học sinh/lớp để ôn thi đại trà mới mang lại điểm số tốt là chưa thỏa đáng. Chưa kể, khi đã là quy định toàn quốc, các địa phương thực hiện một cách bình đẳng, công bằng và không cần quá lo lắng, đặt nặng vấn đề rồi xếp lớp để học sinh luyện thi sáng, trưa, chiều, tối. Chúng ta cần khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày tới trường kín đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức..

Nhà giáo giỏi, tâm huyết không sợ thiếu học sinh tìm học

- Nhiều giáo viên trăn trở, việc “siết” dạy thêm trong nhà trường có thể dẫn tới phụ huynh, giáo viên phải tràn ra các trung tâm chi phí đắt đỏ, đi lại khó khăn; đồng thời giảm thu nhập dạy thêm của giáo viên. Quan điểm của Bộ GD-ĐT thế nào, thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Thành?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thông tư mới quy định một số nội dung quan trọng, đó là: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiềnđối với học sinh của mình trên lớp… Quy định đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, em nào có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện của bản thân. Khi đó, phụ huynh, học sinh sẽ tìm hiểu, cân nhắc việc học thêm mang lại giá trị gì, có giúp tiến bộ hơn, hiểu sâu sắc vấn đề hay không. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng nên Bộ GD-ĐT không cấm.

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ… Khi đó, nơi nào khiến học sinh, phụ huynh tin tưởng, đáp ứng được yêu cầu thì học sinh, phụ huynh sẽ lựa chọn.

Một số giáo viên băn khoăn trường hợp tổ chức dạy thêm 5-7 em ở nhà có đăng ký kinh doanh hay không? Thông tư đã quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh.

Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát.

Về vấn đề giảm thu nhập dạy thêm của giáo viên, Thông tư không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu nhà giáo nỗ lực, là giáo viên giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho học sinh chắc chắn sẽ không thiếu học sinh tìm đến học. Chỉ có trường hợp, giáo viên được trường phân công dạy học sinh trong trường thì không được dạy thêm có thu tiền với các em đó ở bên ngoài nhằm hạn chế được tình trạng giáo viên kéo học sinh ra ngoài học thêm, cắt giảm kiến thức trên lớp để dạy thêm.

- Như ông đã trao đổi, cần khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày tới trường kín đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.. Vậy giải pháp nào để hướng tới trường học không dạy thêm, học thêm; xã hội không học thêm, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Có 2 vấn đề đó là quy định pháp luật và nhận thức của người dân. Cơ quan quản lý có quy định cụ thể nhưng nhận thức người dân rất quan trọng. Đành rằng, đâu đó vẫn còn có áp lực về thi vượt cấp, tuyển sinh đại học. Ai cũng mong muốn con mình đỗ vào ngôi trường tốt và đó là nhu cầu chính đáng của mỗi người.

Tuy nhiên, phụ huynh ngày nay có nhận thức giá trị phát triển con người rõ ràng hơn. Kiến thức là biển mênh mông, chúng ta cần chú trọng đến phương pháp học thay vì cố học thật nhiều nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực. Đã có tình trạng phụ huynh, học sinh trong giai đoạn nhất định luyện thi, nhồi nhét đến kiệt sức để vượt qua kỳ thi sau đó lại xả hơi. Hoặc thực tế cũng có nhiều em khi trưởng thành ra cuộc sống có đủ kiến thức nhưng thua thiệt do thiếu hụt nhiều kỹ năng.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Xuân Thành đã chia sẻ!

Trang Nhung - Cẩm Vân (ghi)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bo-gd-dt-siet-day-them-hoc-them-de-hoc-sinh-co-thoi-gian-vui-choi-tap-luyen-the-thao-post401587.html
Zalo