Bộ GD&ĐT biên soạn SGK liệu có giải quyết được vấn đề về giá?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng biên soạn bộ SGK nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề đang đặt ra hay không?
Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK) ngày 1/11, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) nêu rõ chủ trương xã hội hóa SGK là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các SGK phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời, huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.
Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy, ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định, trục trặc gì thì sửa cái đó.
“Còn bây giờ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng biên soạn bộ SGK nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không? vấn đề về giá chẳng hạn”, đại biểu Nghĩa nêu vấn đề.
Nếu có vấn đề về giá thì khắc phục vấn đề này có thể trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa.
“Chứ không phải chúng ta thay thế bằng cách “đẻ” ra một bộ SGK của Nhà nước làm mà giải quyết được vấn đề, nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?”, ông Nghĩa băn khoăn.
Tranh luận về ý kiến liên quan đến việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, ĐBQH Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình 2018 sách giáo khoa mới.
Có thể nói việc xây dựng chương trình 2018 là một thành công, chương trình rất hiệu quả, khoa học và đi theo xu hướng phát triển nền giáo dục khai phóng, phát huy năng khiếu sở trường của học sinh, giao quyền chủ động cho nhà trường tự chủ, sáng tạo cho đội ngũ chuyên viên.
“Ngoài Nghị quyết 88 có Nghị quyết 122, khi đã nói một bộ sách hoặc môn học đã được phê duyệt thẩm định thì không nhất thiết phải lấy ngân sách của Chính phủ”, ông Thành nói.
Về vấn đề giá, ông Thành cho biết không băn khoăn vì Luật Giá kỳ họp trước thông qua, sách giáo khoa đưa vào danh mục quản lý giá, nên hoàn toàn an tâm.
Theo đại biểu đoàn Nghệ An, chúng ta thực hiện lộ trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm 2024, năm 2025 sẽ kết thúc. Vì vậy, mong muốn để Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào việc phê duyệt thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn để kết thúc lộ trình.
“Sau khi kết thúc lộ trình, Bộ cũng nghiêm túc đánh giá, rà soát, hoàn chỉnh chương trình và xây dựng lại bộSGK”, ông Thành nhấn mạnh.
Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa, ông Thành cho biết các môn khoa học tự nhiên và công nghệ không nhất thiết Bộ phải biên soạn. Vì đó là những trí thức chân lý nhân loại, bất kỳ quốc gia nào dạy cũng giống nhau, từ định lý, định luật, quy luật khách quan.
“Riêng đối với các bộ môn khoa học xã hội như: Văn, Sử, Địa, Kinh tế, Pháp luật, Bộ phải cân nhắc xây dựng để định hướng giá trị lý tưởng, đạo đức cách mạng, bảo vệ vững chắc thành quả Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Việc này, cần có sự định hướng giữ vai trò chủ đạo của Bộ”, ông Thành nêu ý kiến.
Đồng thời, về bộ sách tiếng dân tộc hay sách chữ nổi dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị, ông Thành cho biết các doanh nghiệp không đầu tư vì hiệu quả không cao. Do đó, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cân nhắc phải biên soạn để có sự định hướng, đảm bảo sự công bằng, tiếp cận trong giáo dục.