Bộ GD cho phép lớp ghép cấp tiểu học ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh
Mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và các quy định liên quan đến tổ chức dạy học lớp ghép, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu triển khai tổ chức dạy học lớp ghép phải bảo đảm học sinh được học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; đồng thời, phải được tổ chức học tập 2 buổi/ngày theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh. Lớp ghép hai trình độ hoặc lớp ghép ba trình độ đều được tính là một đơn vị lớp ghép. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý ưu tiên tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau và hạn chế ghép lớp trình độ không liền nhau.
Ngoài ra, mỗi lớp ghép cần bố trí đủ không gian, được trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng lớp ghép, từng nhóm trình độ và đặc thù khi tổ chức dạy học lớp ghép.
Về kế hoạch dạy học, công văn nêu rõ các đơn vị thực hiện theo Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cấp tiểu học, các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học lớp ghép để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện xây dựng kế hoạch bài dạy đối với lớp ghép cần thể hiện được mục tiêu, các hoạt động dạy học chủ yếu của giáo viên, hoạt động học của học sinh ở các trình độ khác nhau, sự phối hợp giữa các hoạt động trong quá trình tổ chức dạy học bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện các nhiệm vụ học tập và trải nghiệm môn học, được tương tác, làm việc nhóm để hình thành phẩm chất, năng lực.
Trong tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên cần tích cực đổi mới, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, tùy vào điều kiện thực tế của lớp ghép mà giáo viên cần chú trọng thực hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Việc thực hiện đánh giá học sinh lớp ghép theo quy định hiện hành. Trong đó, đối với môn Tiếng Việt, môn Toán: Bộ giáo dục yêu cầu thực hiện đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ, kết quả học tập của học sinh đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt, môn Toán theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Đối với các môn học, hoạt động giáo dục ngoài môn Tiếng Việt, môn Toán: Bộ Giáo dục yêu cầu thực hiện đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ những nội dung hướng dẫn và tình hình thực tiễn tại địa phương để tổ chức thực hiện.
Đồng thời, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị về công tác này trong báo cáo học kỳ I, báo cáo cuối năm học gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ Giáo dục Tiểu học.
Lớp ghép là lớp học có học sinh ở hai nhóm trình độ (lớp) khác nhau trở lên cùng học và do một giáo viên trực tiếp giảng dạy trong cùng một thời gian nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của từng nhóm trình độ.
Tổ chức dạy học lớp ghép nhằm thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được học tập và phát triển toàn diện của học sinh. Đồng thời, thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn. Ngoài ra, lớp ghép cũng là giải pháp giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả.