Bộ đội giúp dân hộ đê sông Mã
Đêm 23-9, tại khu vực tuyến đê sông Mã, đoạn cống Nổ Thôn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện sự cố rò rỉ thấm nước qua chân đê, uy hiếp sự an toàn của gần 4.000 người dân ở 8 thôn thuộc xã Vĩnh An.
Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 phối hợp cùng LLVT huyện Vĩnh Lộc trắng đêm khắc phục sự cố.
Mực nước sông Mã lên nhanh, tràn qua miệng cống Nổ Thôn thuộc xã Vĩnh An, ngấm vào thân đê, nước lớn chảy xiết dẫn đến sự cố nước rò rỉ qua mang cá của cống, chảy xuyên qua thân đê, đường kính khoảng 0,7m, sâu 1,5m. Ngay sau khi phát hiện sự cố, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo xã Vĩnh An triển khai phương án “4 tại chỗ”, huy động các lực lượng và nhân dân tích cực triển khai khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo kịp thời với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tăng cường lực lượng khắc phục sự cố.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 đã cơ động gần 50km từ vị trí đóng quân đến hiện trường. Ngay trong đêm, bất chấp điều kiện thực hiện nhiệm vụ khó khăn, các lực lượng đã phối hợp sức người, máy móc, phương tiện tại chỗ tổ chức gia cố thân đê, chống mạch đùn, mạch sủi. Phương châm "4 tại chỗ" được phát huy tối đa, LLVT của 5 xã lân cận xã Vĩnh An cũng đã được huy động tham gia xử lý sự cố ngay từ đầu. Đến 3 giờ ngày 24-9, sự cố cơ bản được khắc phục bước đầu. Từ đêm 23 đến trưa ngày 24-9, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 phối hợp cùng LLVT địa phương đã khẩn trương triển khai đắp một con đê nhỏ phía trong đê nhằm dâng nước để giảm áp lực nước từ ngoài đê theo phương pháp bình thông nhau. Để đắp thành đê phía trên, hơn 1 triệu mét khối cát, đá đã được bỏ vào bao, đánh chìm xuống dưới nước sâu để tạo móng.
Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 762, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Xử lý sự cố trong điều kiện trời mưa, đêm tối, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã gần như xuyên đêm tổ chức căng bạt bảo vệ thân đê, đóng bao cát, đá, kết hợp sức người, phương tiện, máy móc của địa phương, tổ chức bảo vệ thân đê... Rất may, nước sông Mã đang rút chậm nên việc xử lý sự cố của anh em cũng đỡ vất vả hơn".
Tham gia tiếp viện nước uống cho bộ đội từ đêm 23-9, bà Hà Thị Ký chỉ về ngôi nhà của mình: "Nhà tôi ngay miệng cống này, khi xảy ra sự cố, tôi lo lắng lắm. Có bộ đội về giúp, tôi yên tâm hơn rất nhiều. Cả đêm qua đến giờ, xe chở vật liệu, bộ đội khuân vác, đóng bì đất đá suốt đêm rầm rập... Nhìn các chú làm thương lắm... Bếp nhà tôi liên tục đỏ lửa suốt đêm phục vụ nước cho các chú”.
Trắng đêm thức cùng bộ đội, đồng chí Trịnh Xuân Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, quần áo bê bết bùn đất, chia sẻ: "Rất may là sự cố được phát hiện sớm. Khi thấy bộ đội thường trực tăng cường về, bà con nhân dân địa phương rất phấn khởi và an tâm. Sau gần 12 giờ khắc phục sự cố, đến bây giờ thì rất yên tâm rồi. Gần 4.000 người dân vùng nội đê của chúng tôi đêm qua cũng không dám ngủ. Đến cứu giúp nhân dân, nhiều chiến sĩ còn rất trẻ nhưng sau khi đến đây là bắt tay vào làm việc ngay, nhiệt tình, trách nhiệm, hăng hái đã trở thành phẩm chất vốn có của các anh rồi! Thay mặt nhân dân, rất cảm ơn các anh...".
Hiện nay, các lực lượng chức năng của địa phương vẫn tiếp tục theo dõi, kiểm tra 24/24 giờ đề phòng sự cố phát sinh. Có thể khẳng định, với sự vào cuộc và xử lý sự cố ngay từ đầu, bám sát phương châm "4 tại chỗ", tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất, theo đúng phương án đã được xây dựng từ trước, việc xử lý sự cố đê tại xã Vĩnh An rất kịp thời và hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân phía nội đê.