Bộ đội Cụ Hồ chí nghĩa chí tình, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: 'Trong kháng chiến hay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ được bạn bè quốc tế tôn trọng, khâm phục. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa ra ngoài biên giới Việt Nam, để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế'.
Truyền thống nghĩa tình thủy chung quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ đã lan tỏa trong suốt 80 năm qua, trở thành sức mạnh để Quân đội ta vững vàng trong mọi hoàn cảnh, tự tin hội nhập quốc tế. Bộ đội Cụ Hồ được bạn bè quốc tế ca ngợi, thông qua những hành động thực tế đã lan tỏa vẻ đẹp, nâng cao vị thế và tầm vóc của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có những chia sẻ xung quanh nội dung này.
+ Thưa Thượng tướng, được biết, khi còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng đã được Bộ Quốc phòng phân công phụ trách lĩnh vực đối ngoại Quốc phòng trong suốt hơn 10 năm. Nhìn lại chặng đường phát triển của Quân đội ta, Thượng tướng có thể chia sẻ thêm về tinh thần đoàn kết quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc?
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện tinh thần đoàn kết quốc tế.
Đoàn kết, thủy chung với bạn bè quốc tế vừa là yêu cầu thực tiễn khách quan, vừa phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta.
Từ nhân dân mà ra, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, thấm nhuần sâu sắc tinh thần “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” (V.I.Lênin) và tư tưởng “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Thực tế trong lịch sử, khi phải chiến đấu chống lại những kẻ thù thực dân, đế quốc cường bạo nhất thời đại, đòi hỏi dân tộc ta phải tăng cường liên minh quốc tế nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh bại kẻ thù. Trong những năm chiến đấu gian khổ ác liệt, tinh thần đoàn kết được thể hiện ở sự đùm bọc sẻ chia, đồng cam cộng khổ “hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa”. Có những chiến dịch bộ đội Việt Nam và bộ đội Pathet Lào cùng chung một chiến hào chiến đấu với quân thù. Khi Campuchia chìm trong nạn diệt chủng do tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary gây ra, những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của nhân dân Campuchia, kiên quyết truy kích địch, giải phóng hàng triệu người dân và được nhân dân nước bạn gọi là “Đội quân nhà Phật”.
Bộ đội Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân nước bạn, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc như lời bài hát “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara”: Anh từng đi vượt rừng sâu/ Qua bao mùa dông bão/ Cùng những người lính Campuchia anh dũng/ Apsara! Ôi điệu múa hay tình đất nước/ Apsara và lời hát thay lời Tổ quốc”.
Trong những năm kháng chiến còn nhiều thiếu thốn, gian khổ, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần của bạn bè quốc tế. “Với Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Nhờ sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được tăng cường sức mạnh chiến đấu, nhất là vũ khí, trang bị hiện đại để góp phần đánh bại các thế lực ngoại bang xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử đã phải “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”. Trải qua bao đau thương, mất mát từ chiến tranh, nhân dân ta luôn thấu hiểu giá trị và yêu chuộng hòa bình. Con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, bao dung. Vì thế, truyền thống nghĩa tình thủy chung quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa từ truyền thống nhân nghĩa yêu thương của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Phẩm chất tốt đẹp đó đã lan tỏa trong suốt 80 năm qua, trở thành sức mạnh để Bộ đội ta vững vàng trong mọi hoàn cảnh, tự tin hội nhập quốc tế.
+ Thượng tướng nhìn nhận như thế nào về vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trong lòng bạn bè trường quốc tế; cũng như chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ trong hoạt động đối ngoại Quốc phòng?
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Trong kháng chiến hay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ được bạn bè quốc tế tôn trọng, khâm phục. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa ra ngoài biên giới Việt Nam, để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Năm 1977, kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tôi được tham gia đoàn Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô đi cảm ơn nước bạn đã giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến. Khi đến Liên Xô, nhân dân nước bạn phất cờ chào đón nồng nhiệt, tung hô Bộ đội Việt Nam. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng của chiến thắng, chính nghĩa, khát vọng hạnh phúc, hòa bình và là những người góp phần hiện thực hóa mục tiêu cao cả đó.
Sau này, khi là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được giao phụ trách công tác Đối ngoại Quốc phòng Việt Nam, tôi có điều kiện đến gần 70 quốc gia trên thế giới. Đến nơi đâu, bạn bè quốc tế cũng dành tình cảm yêu mến đối với Việt Nam. Có nơi bạn bè hô vang: “Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ”. Tình cảm yêu mến, quý trọng Việt Nam được thể hiện qua biểu tượng vừa cao cả vừa gần gũi. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tinh thần chiến đấu quả cảm, quật cường của những chiến sĩ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”.
+ Đối ngoại Quốc phòng đã trở thành một kênh quan trọng, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa… trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Thượng tướng có thể phân tích, làm rõ thêm ý nghĩa trong việc Bộ đội Việt Nam thực thi sứ mệnh quốc tế cao cả?
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè quốc tế, chí nghĩa chí tình, thủy chung son sắt, trước sau như một. Đó là những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, an ninh bất ổn, lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn tích cực, chủ động tham gia những hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp cải thiện đời sống của người dân bản địa. Thực thi sứ mệnh quốc tế cao cả, Bộ đội Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò sứ giả hòa bình, thể hiện và phát huy truyền thống thủy chung son sắt, chí nghĩa chí tình với bạn bè quốc tế.
Tháng 2/2023, lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sang tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, qua đó thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc làm đó càng khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đầy bản lĩnh, trí tuệ và giàu lòng nhân ái.
Trải qua thực tiễn chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được bạn bè quốc tế yêu mến, trân trọng. Đó là mẫu hình lý tưởng hội tụ những phẩm chất có sức hút và lan tỏa rộng rãi, đúng như lời nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi: Không tự ngắm mình, anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sĩ! Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo (Bài ca xuân 68).
+ Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, Đất nước cũng bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo Thượng tướng, nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng trong thời kỳ mới cần thực hiện như thế nào để có thể bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa?
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Trong tình hình mới, hội nhập quốc tế để cùng phát triển là xu thế chung của nhân loại. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta cần tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường, tích cực học hỏi để tự tin hội nhập và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Bộ đội thời đại mới không chỉ có bản lĩnh vững vàng mà cần phải có tri thức, hiểu biết để tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trên phạm vi toàn cầu.
Thời gian tới, chúng ta vẫn cần phát huy hơn nữa thế mạnh của ngoại giao Quốc phòng song phương và đa phương, tạo niềm tin cho các nước trong quan hệ với Việt Nam, hiểu được đường lối và chính sách Quốc phòng của Việt Nam. Bạn bè quốc tế thấy ở Việt Nam một ngọn cờ luôn được giương cao là hòa bình và tự vệ.
Đối ngoại Quốc phòng Việt Nam trong Kỷ nguyên mới sẽ là trụ cột cho đấu tranh, bảo vệ hòa bình, nâng tầm vóc Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành một điểm nhấn về đối ngoại độc lập, tự chủ. Đối ngoại quốc phòng Việt Nam không chọn bên, luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, làm bạn với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việt Nam phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng phát triển đất nước chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội.
Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, gắn chặt đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
+ Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!