Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đồng hành cùng người dân bị thiên tai
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình luôn chú trọng triển khai hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
Ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bảo đảm sát với tình hình đơn vị, địa bàn quản lý. Cán bộ, chiến sĩ được tham gia tập huấn, huấn luyện, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, diễn tập các tình huống ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Các đơn vị đã duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ khi bước vào mùa mưa bão, chủ động nắm chắc tình hình, kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc, tham mưu, giải quyết hiệu quả, kịp thời báo cáo các tình huống, sự cố thiên tai để ứng phó hiệu quả.
Những ngày tháng 9 vừa qua, lực lượng BĐBP đã ứng phó hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão số 4, đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến Quảng Bình trong năm 2024.
Đổ bộ vào Quảng Bình và suy yếu, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lượng mưa trước vào sau bão số 4 đã gây ngập lụt, chia cắt cục bộ tại một số địa bàn vùng núi.
Các đồn biên phòng Ra Mai, Cà Xèng, Cồn Roàng đã cử cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, cơ sở, nắm chắc tình hình, phối hợp với các địa phương cắm biển cảnh báo, lập chốt tuyên truyền hướng dẫn nhân dân lưu thông an toàn trong thời điểm mưa lũ, vận động các hộ dân trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn...
Trong đó, do cấu tạo địa hình phức tạp, sau mỗi đợt xảy ra mưa lũ, địa bàn 3 bản: Ón, Yên Hợp, MÒ O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, địa bàn định cư của 210 hộ/867 nhân khẩu đồng bào Rục sinh sống) sẽ bị nước ngập sâu, cô lập từ 13-15 ngày.
Nắm được quy luật của thiên nhiên, thời tiết, trước đợt mưa lũ vừa qua, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Cà Xèng đã triển khai các phương án đảm bảo cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Cùng với số lúa mà đồng bào Rục vừa thu hoạch, huyện Minh Hóa đã vận chuyển gạo, thực phẩm dự phòng vào địa bàn để hỗ trợ nhân dân khi cần thiết. Đồn Biên phòng Cà Xèng tổ chức lực lượng bám địa bàn tuyên truyền nhân dân ứng phó không để mất an toàn về người, tài sản.
“Trong thời gian bị chia cắt, chúng tôi tổ chức lực lượng bám địa bàn chăm lo cuộc sống nhân dân được diễn ra như bình thường. Đơn vị cũng triển khai cán bộ, chiến sĩ chốt chặn hai phía trên tuyến đường bị ngập úng, cùng với phương tiện để vận chuyển người dân ra, vào địa bàn khi thật sự cần thiết”, Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết.
Bên cạnh đó, các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Lào cũng tiến hành rà soát, nắm tình hình để kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét để cảnh báo bà con di dời.
Trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, các đơn vị luôn quán triệt chủ trương "phòng là chính, tích cực, chủ động, thông tin nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau", vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước và đơn vị.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng đã nắm bắt tình hình cơ sở, giúp đỡ các trường học, nhân dân, các hộ gia đình neo đơn chặt cây, di dời phương tiện tàu thuyền, vật dụng gia đình, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.
Theo dự báo, mùa mưa bão năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Phát huy vai trò nòng cốt của mình, BĐBP tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan, chính quyền địa phương sẵn sàng các phương án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo, những nơi xung yếu…bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, luôn là điểm tựa vững chắc của nhân dân.