Bộ đội Biên phòng Đắk Nông giúp dân giảm nghèo từ việc làm cụ thể

'Từ năm 2011, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thí điểm Mô hình 'bò giống luân chuyển' ở địa bàn xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, đến nay, mô hình này đã chứng minh hiệu quả và được nhân rộng, thiết thực giúp bà con khu vực biên giới thoát nghèo bền vững' - đó là chia sẻ của Đại tá Nguyễn Trung Kiên, Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Nông trong cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân.

PV: Hiện nay, là một tỉnh biên giới, công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là tại các xã biên giới, miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã đồng hành với địa phương như thế nào về việc này, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Trung Kiên: BĐBP tỉnh Đắk Nông quản lý, bảo vệ 141,045km đường biên giới, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới tỉnh có 7 xã thuộc 4 huyện, với 31 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 20,3%; hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ 14,37%.

Đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế chậm phát triển. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các chính sách về an sinh xã hội cho nhân dân vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp nhân dân khu vực biên giới xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cần sự chung tay vào cuộc và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong triển khai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.

Đại tá Nguyễn Trung Kiên, Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Nông thăm và tặng quà gia đình chính sách xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nhân dịp Tết Quý Mão 2023.

Đại tá Nguyễn Trung Kiên, Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Nông thăm và tặng quà gia đình chính sách xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nhân dịp Tết Quý Mão 2023.

Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông đã tham mưu cho Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9-3-2021 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ban, sở, ngành có liên quan và các huyện, xã có biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật để sản xuất hàng hóa và chăm sóc cây, con giống. Đến nay, nhân dân khu vực biên giới tỉnh không còn hộ đói, số hộ thoát nghèo ngày càng cao.

Tuy nhiên, do phong tục tập quán trong sinh hoạt, canh tác ở địa phương còn nhiều bất cập; tỷ lệ sinh con của đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, trình độ nhận thức chưa đồng đều, cá biệt có một số hộ dân còn có ý trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước... nên công tác giảm nghèo ở vùng biên cương của tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều việc phải làm.

PV: Trước thực tế đó, BĐBP tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo như thế nào để thiết thực giúp người dân nơi biên giới tỉnh Đắk Nông phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Trung Kiên: Với khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và với phương châm “hỗ trợ cần câu”, để từng bước giúp dân thoát nghèo, từ năm 2011, BĐBP tỉnh thí điểm Mô hình “bò giống luân chuyển” ở địa bàn xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (đơn vị hỗ trợ 4 con bò mẹ cho 4 hộ nghèo, sau khi bò mẹ đẻ giao bò mẹ lại cho hộ nghèo khác).

Năm 2014, Đồn Biên phòng Đắk Lao tiếp tục xây dựng Mô hình “bò giống sinh sản” (đơn vị nhận nuôi 2 con bò mẹ cho Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (khi bò mẹ đẻ thì giao bê con giống cho hội viên nghèo)... Từ hiệu quả của mô hình này, năm 2018, BĐBP tỉnh đã trao tặng thêm 100 bò giống cho 100 hộ nghèo ở các xã biên giới. Đến nay, số lượng bò giống hỗ trợ cho hộ nghèo ở khu vực biên giới tỉnh đã phát triển hơn 250 con.

Để triển khai, thực hiện các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế,Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã giao nhiệm vụ cho cán bộ tăng cường xã biên giới, đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bon, buôn, bản và đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới thường xuyên đến từng nhà dân được hỗ trợ sinh kế để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, con giống, cách vệ sinh chuồng trại và cách sử dụng phân bón từ các con vật nuôi để cải tạo đất trồng...

Ngoài ra, thực hiện Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Nông... trong những năm qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp hỗ trợ hàng trăm con dê giống, heo lai giống, gà lai chọi giống... trị giá hàng 100 triệu đồng; thông qua Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân” và nhân các dịp lễ, tết, hỗ trợ nhân lực, vật lực tổ chức xây dựng, tặng hàng trăm căn nhà nghĩa tình, nhà đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới. Đồng thời thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, già làng, trưởng các thôn, buôn, bon, bản, người có uy tín với hơn 10.000 suất quà trị giá hơn 5 tỷ đồng; khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người dân ở khu vực biên giới…

 Đồn Biên phòng Đắk Lao và Hội Phụ nữ xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông hỗ trợ bò giống cho phụ nữ nghèo trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Đồn Biên phòng Đắk Lao và Hội Phụ nữ xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông hỗ trợ bò giống cho phụ nữ nghèo trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

PV: Vậy hiệu quả của những mô hình, chương trình này như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Trung Kiên: Từ năm 2015, khu vực biên giới tỉnh có 23,8% hộ đói, nghèo, thì đến nay khu vực biên giới tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm hơn 60% so với 10 năm trước đây.

Về văn hóa, năm 2015, khu vực biên giới tỉnh có 63% thôn đạt thôn văn hóa, 66% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến nay có hơn 90% thôn văn hóa, 71% gia đình văn hóa; 2/7 xã về đích nông thôn mới và 1 xã về đích nông thôn mới nâng cao.

Có thể khẳng định các mô hình, chương trình an sinh xã hội của BĐBP tỉnh Đắk Nông đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó cũng là nền tảng để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

PV: Thưa đồng chí, việc giúp người dân vùng biên giới phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo sẽ có ý nghĩa như thế nào để góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc?

Đại tá Nguyễn Trung Kiên: Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, những năm qua địa bàn khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông được tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển toàn diện, vững chắc; trong đó có vai trò của BĐBP trong triển khai nhiều chương trình, mô hình chăm lo đời sống cho bà con tại 76 thôn, buôn, bon của 7 xã biên giới.

Qua đó nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phòng chống các loại tội phạm cũng như thực hiện các chương trình, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Tích cực tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc, tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon; giữ vững mối quan hệ kết nghĩa nhân dân hai bên biên giới, kịp thời cung cấp thông tin liên quan việc vi phạm pháp luật về biên giới cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý… Nếp nghĩ, nếp sống văn hóa lành mạnh đã có nhiều tiến bộ; đồng bào chung sống đoàn kết, nghĩa tình, đẩy lùi các hủ tục từ bên ngoài du nhập vào.

Với vai trò hạt nhân, gắn kết của BĐBP, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tham gia tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mốc quốc giới; đóng góp ngày công tham gia phát quang, bảo vệ đường tuần tra biên giới; cung cấp các thông tin về phòng, chống các loại tội phạm, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn tại các thôn, bon hiệu quả…

Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đồng hành, giúp đỡ BĐBP cả về vật chất và tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ trực trên các tổ chốt an tâm công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ. Chính niềm tin và sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” tại khu vực biên giới của tỉnh.

VĂN DUYÊN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/bo-doi-bien-phong-dak-nong-giup-dan-giam-ngheo-tu-viec-lam-cu-the-799640
Zalo