Bộ đội Biên phòng 'căng mình' xử lý tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ

Tình trạng ngư dân sử dụng xung điện và thuốc nổ để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra, dù Bộ đội Biên phòng và các cơ quan thường xuyên tuyên truyền, xử lý.

Mặc dù thường xuyên được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động cũng như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên tình trạng ngư dân sử dụng xung điện và thuốc nổ để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra.

Nhiều vụ bị phát hiện, xử lý

Chỉ tính 7 tháng của năm 2024, BĐBP Cà Mau đã phát hiện, bắt giữ 34 vụ ngư dân sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản; qua đó, đã tịch thu, tiêu hủy 42 bộ xung điện và xử phạt hành chính với số tiền gần 250 triệu đồng. BĐBP Kiên Giang tịch thu 10 bộ xung điện, 2 bình ắc quy, 280m dây điện, 12 ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Ông Hồ Ngọc Dũng và tang vật thuốc nổ bị BĐBP Kiên Giang bắt giữ. Ảnh: Báo Biên phòng

Ông Hồ Ngọc Dũng và tang vật thuốc nổ bị BĐBP Kiên Giang bắt giữ. Ảnh: Báo Biên phòng

Tại Kiên Giang, cũng đã ghi nhận tình trạng trên. Điển hình là vụ việc vào cuối năm 2023, BĐBP tỉnh cũng đã bắt quả tang một tàu cá từ Bà Rịa - Vũng Tàu tàng trữ lượng lớn thuốc nổ để đánh bắt thủy sản trên biển. Tàu cá này do ông Hồ Ngọc Dũng (43 tuổi, Nghệ An) làm thuyền trưởng, trên tàu còn có 11 thuyền viên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tang vật nghi là thuốc nổ, kíp nổ và dây cháy chậm.

Ông Dũng khai nhận đã được chủ tàu ở thành phố Vũng Tàu giao số vật liệu này để sử dụng khi đánh bắt cá. Đồn Biên phòng Rạch Tràm sau đó đã khởi tố vụ án và chuyển giao cho Công an Phú Quốc xử lý.

Đại tá Phạm Anh Chương - Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau - cho rằng, việc người dân sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước tự nhiên, gây mất an ninh trật tự trên biển.

Ngoài ra, việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người.

Làm sao ngăn chặn người dân đánh bắt trái quy định?

Theo Đại tá Phạm Anh Chương, để ngăn chặn, hướng tới chấm dứt tình trạng dùng các công cụ, phương thức đánh bắt trái quy định của pháp luật trên khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau, BÐBP Cà Mau đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác có liên quan.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn, hải đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ phương tiện trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, khai thác thủy sản trong khu vực cấm.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; tuyệt đối không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản.

Trên tinh thần thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP Cà Mau đã vận động ngư dân tự giác giao nộp 80 bộ xung điện; đồng thời, vận động 149 hộ dân cam kết không sản xuất, buôn bán, sử dụng xung điện để khai thác thủy sản; đi đôi với khai thác, đánh bắt là phải bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-doi-bien-phong-cang-minh-xu-ly-tinh-trang-khai-thac-thuy-san-bang-xung-dien-thuoc-no-338500.html
Zalo