Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và thuốc giả
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng sữa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, tại Công điện hỏa tốc số 2755/CĐ-BCT ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc hậu kiểm về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ.
Cũng tại công điện này, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (trên báo, đài và Internet); cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ.
“Chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan, tăng cường công tác lấy mẫu, để kiểm tra chất lượng hàng hóa đối với các đoàn kiểm tra tại các địa bàn. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân,” công điện nêu rõ.

Hàng ngàn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan Công an thu giữ. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)
Đối với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu Cục bám sát diễn biến của thị trường trong nước, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại địa phương để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sữa giả, thuốc giả.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, tập trung chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tại địa phương tập trung triển khai công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi, giám sát thị trường nhằm phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đặc biệt tại các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe./.