Bộ Công Thương và bước chuyển mình trong phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đã chuyển mình trong việc vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế - xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về "bức tranh" chung trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thời gian qua?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là một trong những nội dung trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.

Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024

Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định việc thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực tư pháp, cư trú, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội; quyết nghị việc triển khai thí điểm mô hình trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại 5 địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh và Bắc Ninh) từ tháng 9/2024 đến tháng 11/2025 để tổng kết, nhân rộng. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024; chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức có hiệu quả hoạt động bộ phận một cửa các cấp và cung cấp 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử từ ngày 1/7/2024.

Bên cạnh đó, đã phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và phương án đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp.

Không chỉ năm 2024, có thể thấy, trong mấy năm gần đây, với trào lưu số hóa nền kinh tế, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là một trong những nội dung trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ những giấy tờ không cần thiết, từ đó tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách trở thành phong trào mà các bộ, ngành, đơn vị trong quá trình quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Cùng với "chiến dịch" tinh gọn bộ máy quản lý, thì rõ ràng, chúng ta cũng sẽ có một ‘chiến dịch’ xem xét, xóc lại toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến hầu như tất cả các lĩnh vực, vấn đề.

Bởi sau khi sáp nhập các Bộ, ban, ngành, các thủ tục về trình báo, quy trình thực hiện báo cáo cũng sẽ có thay đổi. Việc sắp xếp lại, tối giản hóa các giấy tờ không cần thiết là việc cần phải làm.

Tất nhiên, việc quản lý yêu cầu cần phải chặt chẽ, thế nhưng vấn đề đặt ra là không cần nhiều giấy tờ, thủ tục mà vẫn “chặt”, nhất là trong thời đại số như hiện nay. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Chính phủ và các Bộ, ban, ngành cần phải thực hiện trong năm 2025 để nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả của nền kinh tế.

- Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024. Trong đó, đối với ngành Công Thương có một điểm rất sáng, đó là với 83,15 điểm, tăng 6,6% so với năm 2023, Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã có bước chuyển mình trong cơ cấu bộ máy tổ chức quản lý, cũng như trong các hoạt động đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng vừa đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng nhất để các doanh nghiệp có thể phát huy được sức mạnh cũng như hiệu quả của mình.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: N.H

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: N.H

Đáng chú ý, trong khoảng một, hai năm trở lại đây, công tác này lại càng được đẩy mạnh và hoạt động của các cơ quan chức năng trong Bộ cũng được đổi mới và có bước chuyển mình một cách đáng kể.

Có thể thấy, Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng là cơ quan quản lý giám sát các hoạt động từ giá cả thị trường cho đến đầu ra, đầu vào của hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là những lĩnh vực không dễ.

Do đó, việc đơn giản hóa các thủ tục, cùng với việc phân công, phân nhiệm rõ ràng, thực hiện các quy trình, cơ chế quản lý phù hợp đang là điều mà được các doanh nghiệp và người dân đánh giá cao đối với hành động của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua.

- Để duy trì vị trí Top đầu các Bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, ông có khuyến nghị gì với Bộ, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng tôi cho rằng, để tăng cường hơn nữa hiệu quả của Bộ Công Thương, việc đẩy mạnh số hóa và kết nối liên thông cũng như xây dựng được kho dữ liệu lớn, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý cũng như thực hiện các chức trách nhiệm vụ, để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, có thể lập được các kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các quy trình hoạt động phù hợp với pháp luật nhưng phải vừa đơn giản, vừa thuận tiện là một trong những đòi hỏi mà Bộ Công Thương cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Thực ra, trong thời gian vừa qua, việc số hóa này cũng đã được Bộ Công Thương thực hiện tương đối tốt, tương đối mạnh, nhưng có lẽ vẫn còn những việc cần phải làm. Vì vậy, làm sao các quy trình, thủ tục hành chính, các giấy tờ, hồ sơ được số hóa, thậm chí cả đơn đăng ký xin phép… cũng có thể thực hiện số hóa.

Việc này giúp thuận tiện, đơn giản, tiết kiệm được nhiều công sức cho cấp đơn vị quản lý mà ở đây là Bộ Công Thương và cho cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sẽ đảm bảo được tính công khai minh bạch.

Đây cũng là điều mà chúng tôi cho rằng, trong năm 2025, để Bộ Công Thương tiếp tục duy trì là đơn vị dẫn đầu về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc số hóa các hoạt động, quy trình, hồ sơ, tài liệu của Bộ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực, ngành nghề và các đơn vị thuộc Bộ.

- Việc đơn giản hóa, hay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cần phải làm như ông vừa chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, điều này sẽ tạo ra những kẽ hở cho những vi phạm, nhất là trong những lĩnh vực quản lý sâu, rộng và khó như của Bộ Công Thương. Ông bình luận gì về việc này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, điều này chưa chắc đã đúng. Bởi vấn đề quan trọng ở đây là số hóa phải đi kèm theo với việc kiểm tra, giám sát, cũng như các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Trên thực tế, số hóa giúp tính công khai, minh bạch rất rõ.

Lo lắng nguy cơ rủi ro là có, tuy nhiên, với việc số hóa sẽ giúp giảm thiểu khối lượng công việc bình thường. Khi đó, cán bộ quản lý cấp dưới sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và họ có thể đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Ngoài kiểm tra, giám sát qua các số liệu, chứng từ, giấy tờ thông qua các hồ sơ trực tuyến, cán bộ quản lý còn có thể kiểm tra, giám sát cả thực tế.

Chúng ta cần phải mạnh dạn triển khai cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng cũng cần có những biện pháp phòng ngừa rủi ro. Hai việc này phải song hành với nhau và sẽ hỗ trợ cho nhau.

Chỉ có như vậy, mới đảm bảo việc thực thi cũng như hiệu quả công việc của các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Điều này cũng đáp ứng được yêu cầu về việc kiểm tra, giám sát chung mà nhà nước đề ra, cũng như kiểm tra lại quy trình thực hiện để nếu có những vướng mắc, Bộ có thể xem xét thay đổi, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 3658/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2025 gồm 7 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

Theo Quyết định này, nội dung cải cách thể chế gồm các nhiệm vụ như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước ngành Công Thương; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật...

Nội dung cải cách thủ tục hành chính, bao gồm: Kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát thủ tục hành chính/rà soát thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến...

Cải cách hành chính công sẽ tập trung thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập thuộc bộ; xây dựng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác tài chính, kế toán...

Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, bao gồm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác truyền thông về cải cách hành chính; tăng cường công tác cải cách hành chính của bộ và các đơn vị thuộc bộ.

Quyết định Ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2025 có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-va-buoc-chuyen-minh-trong-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-368659.html
Zalo