Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm học 2023 - 2024
Sáng ngày 9/11, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2023 - 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 - 2025
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Trần Quang Huy, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đã có tác động không nhỏ đối với sự phát triển của giáo dục và đào tạo.
Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, các cơ sở đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời đã có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài.
Chuyển đổi số cũng được tăng cường thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động đào tạo từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế như hoạt động kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm; hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao một số kết quả nổi bật về công tác đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương trong năm học 2023 - 2024.
Cụ thể, thứ nhất, tuyển sinh đại học đạt 91%, cao đẳng đạt 81%, trung cấp đạt 74% kế hoạch đề ra là nỗ lực đáng được ghi nhận đối với các Trường trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh tuyển sinh và phân cấp, phân luồn trong giáo dục hiện nay. Quy mô đào tạo của các Trường các năm gần đây tương đối ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, mở mới kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; bước đầu hình thành các ngành thế mạnh đặc thù khẳng định thương hiệu.
Thứ hai, thành tích trong nghiên cứu khoa học là điểm sáng với 1.067 công trình do giáo viên và sinh viên các Trường thực hiện. Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế là 2.240 bài đã từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các Trường trực thuộc Bộ trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Thứ ba, chất lượng đội ngũ giảng viên được cải thiện với tỷ lệ 20,7% giảng viên có trình độ tiến sỹ, số lượng giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên đã góp phần làm thay đổi phương pháp dạy và học theo mô hình của các nước tiên tiến.
Thứ tư, Hoạt động hợp tác quốc tế của các trường sau tiếp tục phát triển, duy trì các hoạt động với các đối tác truyền thống, đảm bảo tiến độ cho việc chuyển giao chương trình, hợp tác xây dựng giáo trình, nghiên cứu khoa học, cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam,..
Thứ năm, uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã được ghi nhận, cụ thể tại Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ, 03 Trường Đại học (Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực) đã được dự kiến ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiêm bán dẫn để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, ước tính hơn 210 tỷ đồng (tăng 5% so với năm trước) được các Trường dành cho quỹ hỗ trợ sinh viên nhằm kịp thời động viên sinh viên học tập khá giỏi, thuộc đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng như: tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khu vực phía Bắc; ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu đối với nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin của hầu hết các trường chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Đồng thời, tỷ lệ sản phẩm nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, có giá trị ứng dụng cao trong ngành Công Thương, được thương mại hóa, ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống còn ít, Thứ trưởng Phan Thị Thắng lưu ý.
Trên cơ sở phân tích đánh giá một số thành tựu đã đạt được, những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân; căn cứ các mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị một số phương hướng trọng tâm như sau:
Thứ nhất, các Trường tự chủ theo từng cấp độ đánh giá kết quả triển khai, rút kinh nghiệm và đề xuất giải quyết vướng mắc, tồn tại; tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi mặt hoạt động.
Thứ hai, tổ chức sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Hội đồng trường ở tất cả các Trường và việc sáp nhập các cơ sở đào tạo theo Kế hoạch đã được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đề ra.
Thứ ba, cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý thông qua: xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; tăng cường hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,.. cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao nâng cao.
Thứ tư, xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo gồm: Đổi mới đồng bộ chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Nghiên cứu thị trường, nắm bắt xu thế phát triển ngành nghề đào tạo mới để thay đổi theo hướng đa dạng, có tính liên kết giữa các ngành; Xây dựng các mô hình liên kết đào tạo với Doanh nghiệp trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng và dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo lại lực lượng lao động; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các trình độ đào tạo.
Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ theo phương hướng phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 thông qua chú trọng xây dựng cơ chế, đảm bảo nguồn lực và nhân lực tương xứng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu có khả năng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa.
Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế; Duy trì, phát triển các mối quan hệ hợp tác sẵn có, đồng thời mở rộng hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế; Xây dựng, hoàn thiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế đối với các ngành nghề có thế mạnh của các Trường, đặc biệt là các ngành đặc thù đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao thuộc ngành Công Thương.
Thứ bảy, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học thông qua huy động tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Tập trung đầu tư, trang bị một số ngành, nghề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với định hướng đào tạo, chiến lược phát triển của trường.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo thông qua việc xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho việc triển khai, duy trì và phát triển hoạt động chuyển đổi số.
Thứ chín, tiếp tục triển khai các Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: Trường học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên và là nơi nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của sinh viên.
Cuối cùng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế của nhà trường nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý các hành vi sai phạm; định kỳ thực hiện kiểm định chất lượng trong nhà trường để đảm bảo và không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học và người sử dụng nguồn nhân lực.
Với tinh thần trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng hy vọng mỗi đồng chí lãnh đạo các trường tự đổi mới tư duy, hình thành tổ chức của mình có văn hóa, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng phục vụ phát triển của ngành Công Thương.
Một số hình ảnh nổi bật tại Hội nghị: