Bộ Công Thương 'thúc' địa phương lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện
Bộ Công Thương vừa có công điện về việc tiếp tục triển khai, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành điện với phương án phát triển điện lực tại các quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ các dự án, không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII.
"Việc này gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia", công điện nêu.
Do đó, để đảm bảo an ninh cung ứng điện trong mọi tình huống và đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án điện. Đặc biệt, những dự án điện lớn có thời gian triển khai dài.
Đối với các dự án đã được cấp phép triển khai, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết.
"Trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, cần quyết liệt thu hồi giấy phép hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực nhưng chây ì, chậm triển khai, ảnh hưởng tới cơ hội phát triển các nhà đầu tư có năng lực và tình hình cung ứng điện trong dài hạn", công điện nêu.
Các địa phương được đề nghị, phối hợp với các chủ đầu tư, ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia được hiệu quả, đúng tiến độ đề ra theo các cam kết của địa phương, đặc biệt là các cam kết với nhà đầu tư nước ngoài, tránh ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn nước ngoài cho phát triển điện lực…
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương rà soát tổng thể tình hình phát triển các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để xây dựng báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Trong đó, cần làm rõ lý do và nguyên nhân chậm tiến độ các dự án nguồn điện, đề xuất và kiến nghị các giải pháp giải để các cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, trong đó đề xuất giải pháp tới các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý nhằm triển khai các điện gió ngoài khơi.
Rà soát các vướng mắc của pháp luật liên quan trong việc phát triển các dự án điện để nghiên cứu, đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam, Luật Xây dựng.
"Viện Năng lượng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để xây dựng đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới…", Bộ Công Thương giao.