Bộ Công thương thông tin về thời điểm tăng giá điện

Ngày 19/6, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II. Nhiều báo chí quan tâm đến tình hình cung ứng điện mùa hè năm 2024 và thời điểm tăng giá điện trong năm nay khi vấn đề này được bàn luận ngay từ đầu năm nhằm giảm lỗ cho EVN.

Trong tháng 6 sẽ trình kết quả kiểm tra giá điện

Về thời điểm tăng giá điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bộ đang có đoàn kiểm tra làm việc với EVN về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của đơn vị này. Khi có kết quả mới có những tính toán cụ thể.

"Bộ Công thương đã có đoàn kiểm tra, rà soát để tính toán đảm bảo khoa học, khách quan có công thức tính toán cụ thể phương án giá điện. Chờ kết quả kiểm tra nói thời điểm nào phù hợp", ông Tân nói.

Bộ Công thương chưa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Ảnh: EVN.

Bộ Công thương chưa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Ảnh: EVN.

Việc điều chỉnh giá điện hiện thực hiện theo Quyết định 05 của Thủ tướng (áp dụng từ ngày 15/5/2024). Theo đó, trên cơ sở đó quy định có giảm, có tăng nên ông Tân nhấn mạnh "chúng ta đừng nghĩ giá điện trong tháng 6 và tháng 7 sẽ tăng".

Lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép giảm tương ứng và phải giảm nhanh.

Ngược lại, khi tăng từ 3-10% thì mới được phân các cấp có thẩm quyền quyết định.

Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân cần tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về chu kỳ điều hành giá, theo Thứ trưởng Tân, quy định 3 tháng một lần là điều chỉnh tăng; còn giảm là bất kỳ lúc nào theo Quyết định 05.

Ông Tân nói thêm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gần đây họp về ủy ban điều hành giá đã trong tháng 6 sẽ trình lại kết quả kiểm tra giá, lúc đó mới có cơ sở tác động cho việc điều chỉnh tăng hoặc giảm.

Lập tổ phản ứng nhanh về cung ứng điện

Về cung ứng điện, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết năm nay nhu cầu điện rất cao, hết ngày hôm qua sản lượng tiêu thụ là 141,8 tỷ KWWh giờ, tương đương 45,6% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, cung ứng điện đảm bảo tốt nhờ vào việc chuẩn bị ngay từ đầu năm. Với tình hình hiện nay, với lượng nước trữ được và các kế hoạch cung ứng điện mùa khô được cập nhật liên tục, ông Hữu đánh giá "năm nay không thiếu điện như năm ngoái".

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói thêm, cung ứng điện trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phục hồi là sức ép lớn cho ngành điện, Bộ Công thương. Theo Thứ trưởng Tân, thời gian qua, bộ đã tổ chức đoàn, tổ đi kiểm tra giám sát từ nguồn nguyên liệu từ nước, than, khí; Sau đó, kiểm tra quá trình vận hành, rút kinh nghiệm để điều hành.

"Ngay trong Cục Điều tiết Điện lực, chúng tôi yêu cầu phải lập tổ phản ứng nhanh, nếu có vấn đề gì thì phải phản ứng ngay để chuẩn bị đảm bảo cung ứng đủ điện. Đủ cơ sở trong thời gian từ nay đến cuối năm đủ điện", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-cong-thuong-thong-tin-ve-thoi-diem-tang-gia-dien-192240619191546853.htm
Zalo