Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, nhiều sai phạm trong lĩnh vực xăng dầu 'lộ diện'
Việc quản lý xăng dầu lỏng lẻo, thiếu giám sát dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.
Ngày 4.1, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Theo kết luận thanh tra, trong hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không bao gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Một trong những điều kiện để được cấp phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê từ đơn vị khác từ 5 năm trở lên (theo Nghị định 83/2014). Việc này dẫn tới một thực tế là để được cấp giấy phép, doanh nghiệp, thương nhân phân phối đã thuê kho theo mùa vụ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm cấp phép của Bộ Công Thương.
Sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.
Kết luận thanh tra nêu rõ: "Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối".
Ngoài vi phạm cấp giấy phép, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỉ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá, hơn 318 tỉ đồng.
Có tới 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá. Không kết chuyển về tài khoản quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ bình ổn giá với số tiền hơn 7.927 tỉ đồng.
Trong 1 năm rưỡi (từ kỳ điều hành ngày 1.1.2017 đến 23.4.2018), văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý không rõ ràng, dẫn tới 19 doanh nghiệp đầu mối trích lập sai Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON 95 hơn 1.013 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này cũng chi sai từ quỹ gần 680 tỉ đồng.
Theo kết quả thanh tra, số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, tại thời điểm 31.10.2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 6.323 tỉ đồng.
Tại thời điểm 30.9.2022, có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 3.219 tỉ đồng. Mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng ngàn tỉ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ năm 2017 - 2022) cho ông Chu Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, mượn hơn 7.485 tỉ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ công ty tổng số tiền hơn 1.396 tỉ đồng.
Trường hợp khác là Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu hơn 462 tỉ đồng; nợ nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 1.246 tỉ đồng; nợ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hơn 212 tỉ đồng. Tính sơ bộ, công ty nợ hơn 1.920 tỉ đồng, nhưng công ty đang cho bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT công ty này, nợ hơn 2.978 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83 quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau trái với quy định tại khoản 12 Điều 3 và Điều 15 Nghị định số 83, vi phạm khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 3 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
Từ việc làm trên của Bộ Công Thương đã dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ. Nghĩa vụ, trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết nhưng khi mua bán xăng dầu của nhau thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trở thành các thương nhân phân phối, có cơ hội để mua bán thông qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông. Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc làm trung gian mua bán xăng dầu để hưởng chênh lệch giá số tiền là gần 2,1 tỉ đồng.
Cũng theo cơ quan thanh tra, khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau; thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau, tạo ra tầng nấc trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông, dẫn đến một phần tiền chiết khấu, chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Chuyển hàng loạt vụ việc về xăng dầu sang Bộ Công an
Dựa trên kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ và tài liệu liên quan đến hàng loạt vụ việc, nhằm tiến hành xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, liên quan đến việc vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng như sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Thứ hai, vụ án liên quan đến vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Thứ ba, về hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng như việc sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất chuyển thông tin và tài liệu liên quan đến một số vấn đề phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu, đến cơ quan điều tra và Bộ Công an để tiến hành xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong danh sách này, có vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đóng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh, được phát hiện thông qua quá trình thu thập thông tin và tài liệu tại Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đồng ý với quyết định cho phép Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan mà không trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch kho ngoại quan.
Ngoài ra, có các vấn đề khác như việc xác định giá trị tài sản (bồn chứa xăng dầu T10, T11, T12) để đóng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh mà chưa tuân theo tiêu chuẩn thẩm định giá, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, và việc đóng góp vốn bằng tiền mặt không đúng quy định.
Thêm vào đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đã được hoàn lại vốn bằng tiền mặt với số tiền là 18,9 tỉ đồng. Đây là số tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản đóng góp vốn và giá trị cổ phần, có khả năng tài sản nhà nước được bán ra mà chưa được thẩm định lại.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tiến hành xem xét và xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm và vi phạm mà kết luận thanh tra đã chỉ ra.